Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

Chỉ số giá dịu lại, nhiều mặt hàng hạ nhiệt


TT - Tổng cục Thống kê ngày 24-5 đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 2,21% so với tháng trước. Nếu so với tháng 4-2011 CPI là 3,32%, có thể thấy tốc độ tăng đã phần nào dịu đi nhưng vẫn ở mức tương đối cao.
Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng từ đầu năm 2011 đến nay - Nguồn: Tổng cục Thống kê - Ảnh: N.BÌNH - Đồ họa: N.KHANH
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đức Thắng, vụ trưởng Vụ Thống kê giá Tổng cục Thống kê, phân tích:
- Nếu so với tháng 4-2011 CPI là 3,32%, có thể thấy tốc độ tăng đã phần nào dịu đi nhưng vẫn ở mức tương đối cao. Đây là tín hiệu đáng mừng vì tốc độ tăng CPI đã chậm hơn. Nhưng nhìn lại thì đây vẫn là mức khá cao so với những năm gần đây, trừ năm 2008. Tỉ giá vàng tăng (1,43%) và USD (giảm 0,98%) cũng có chuyển biến tích cực nên có ảnh hưởng tốt với thị trường.
* Theo ông, đâu là những yếu tố gây tăng giá của tháng này?
- Tôi xin lấy ví dụ nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (3,01%). Trong cả nước, giá gia cầm, thịt heo, hải sản đều tăng do dịch bệch về cơ bản chưa kiểm soát được. Do đó ngành chăn nuôi bị thiệt hại nhiều.
Ngoài ra, giá thức ăn chăn nuôi tăng cũng là một yếu tố khiến nhóm hàng này tăng giá. Mức tăng cao nhất trong 11 nhóm hàng hóa tính CPI là nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng (3,19%) thì chủ yếu do nhu cầu mùa xây dựng cộng với ảnh hưởng của giá điện sinh hoạt, giá nước, giá dầu hỏa (dùng cho thắp sáng), gas đun nấu...
Nhóm hàng hóa duy nhất giảm giá là bưu chính viễn thông, giảm 1,68% song cũng không đáng kể.
* Việc tăng lương cơ bản có tác động gì đến CPI tháng này không, thưa ông?
- Theo tôi, việc tăng lương cơ bản từ 750.000 đồng lên 830.000 đồng có ảnh hưởng nhưng điều đáng mừng là hiện nay, việc tăng lương cơ bản không còn ảnh hưởng mạnh đến thị trường như trước.
* Vậy từ nay đến cuối năm, cần tập trung vào những biện pháp gì để kiềm chế tốc độ tăng CPI?
- Tháng 6 và 7, tốc độ tăng CPI sẽ giảm dần chứ chưa thể thấp hẳn ngay được. CPI tháng này so với tháng 12-2010 tăng hơn 12%, tức là ở mức hai con số. Diễn biến các tháng tới ra sao còn phụ thuộc các yếu tố gây tăng giá, chẳng hạn như thiên tai bất thường. Còn các biện pháp rất mạnh đã được đề cập đầy đủ trong nghị quyết 11.
HƯƠNG GIANG thực hiện
Nhiều mặt hàng hạ nhiệt
Những ngày gần đây, không chỉ các bà nội trợ mà cả người bán cũng thấy dễ chịu vì giá cả nhiều mặt hàng bắt đầu giảm lại.
Mặt hàng giảm mạnh nhất là thịt heo, tổng cộng sau ba tuần đầu tháng 5, giá thịt heo đã giảm 10.000-15.000 đồng/kg. Bà La, tiểu thương chợ Tân Định (Q.1, TP.HCM), cho biết giá giảm nên tiền lấy hàng cũng bớt lại, khách đến đông hơn. Những mặt hàng bán chạy như thịt ba rọi từ 102.000 đồng/kg còn 93.000-95.000 đồng/kg, nạc dăm 94.000-100.000đ/kg, giá heo đùi phổ biến 90.000-95.000đ/kg.
Các cửa hàng của Công ty Vissan cũng giảm giá như cốt lết từ 115.000 đồng còn 100.000 đồng/kg, thịt vai còn 99.000 đồng/kg, thịt nách còn 98.000 đồng/kg, sườn già còn 86.000 đồng/kg...
Nhiều đầu mối thịt đông lạnh cho biết khoảng hai tuần nay giá các loại thịt đông lạnh nhập khẩu đã giảm bình quân 50-60 USD/tấn do giá thế giới giảm và tác động trễ của việc tỉ giá giảm từ tháng trước. Tại chợ Bình Điền (Q.8), giá cánh gà giảm từ 72.000 đồng/kg còn 68.000 đồng, đùi gà nhập khẩu 40.000 đồng/kg.
Giá mặt hàng dầu ăn từ 42.000-43.000 đồng/lít giảm còn 39.000-41.000 đồng/lít. Riêng hàng bình ổn còn 35.000-37.000 đồng/lít - Ảnh: T.ĐẠM
Giá gà nhập khẩu giảm kéo theo giá gà công nghiệp trong nước cũng giảm còn 35.000-36.000 đồng/kg, trứng gà loại 2 tại trại 1.200-1.300 đồng/quả. Ông Vĩnh Phương - chủ tiệm cơm trên đường Trần Xuân Soạn, Q.7 - cho biết nhờ mua được nguyên liệu rẻ nên giá các phần cơm cũng được điều chỉnh giảm 1.000-3.000 đồng tùy món.
Không chỉ thịt heo, tốc độ tăng giá của nhiều thực phẩm khác cũng hạ nhiệt sau khi lên đến đỉnh cao nhất vào nửa cuối tháng 4-2011. Giá đường từ 22.500 đồng/kg tại các chợ còn 18.500-19.000 đồng/kg, đường bình ổn có thương hiệu cũng giảm 1.000 đồng/kg, còn 20.500 đồng/kg... Một số loại rau củ quả có mức giảm đáng chú ý là su su 3.000 đồng/kg, cà rốt 7.000 đồng/kg, cà chua 3.000-4.500 đồng/kg...
Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, giám đốc hệ thống siêu thị Maximark, cho biết sau một thời gian dồn dập nhận đơn tăng giá từ các nhà cung cấp, tốc độ tăng giá tại các siêu thị giảm dần và đang đi vào ổn định. Tại siêu thị, các mặt hàng thiết yếu như đường, dầu ăn cũng hạ nhiệt bằng nhiều chương trình khuyến mãi.
Ngoài lý do giá thế giới giảm, trong nước cân đối cung cầu hàng hóa được đảm bảo thì việc sức mua thấp cũng là yếu tố để kéo giá hàng hóa xuống. Ban quản lý chợ Tân Xuân (Hóc Môn) cho biết chợ khá ế, lượng thịt heo tồn cuối ngày khá cao buộc tiểu thương phải giảm giá bán để đẩy hàng.
NHƯ BÌNH

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Affiliate Network Reviews