Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

Người Việt tiêu thụ hàng tỉ lít bia/năm

Trước sức uống “khủng khiếp” của người tiêu dùng, hàng loạt nhà máy bia tiếp tục được mọc lên trong khi nhiều hãng bia ngoại cũng chen nhau đưa hàng vào bán tại Việt Nam.

Một số nhãn hiệu bia Việt và quốc tế có mặt tại VN vừa công bố cho thấy lượng bia tiêu thụ ở VN đang gia tăng chóng mặt. Trong đó, có những thương hiệu đạt con số 1 tỉ lít/năm.
Sức uống “khủng khiếp” của người tiêu dùng VN đã khiến các nhà máy bia thi nhau mở ra. Ngày càng nhiều doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối các loại bia trên thị trường.
Bia nhập tăng 50%
Bốn tháng, sản xuất 714,6 triệu lít bia
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch - đầu tư, bốn tháng đầu năm 2011 các doanh nghiệp trong nước đã sản xuất 714,6 triệu lít bia các loại, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng ngành bia tại VN, theo thống kê của các công ty nghiên cứu thị trường, ước đạt 15%/năm. VN có khoảng 350 cơ sở sản xuất bia có trụ sở ở hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước và tiếp tục tăng về số lượng. Trong số này, có hơn 20 nhà máy đạt công suất trên 20 triệu lít/năm, 15 nhà máy có công suất lớn hơn 15 triệu lít/năm, và có tới 268 cơ sở có năng lực sản xuất dưới 1 triệu lít/năm.
Những năm gần đây hàng loạt nhãn hiệu bia ngoại nhập khẩu đã đổ bộ vào thị trường VN. Tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ... bia ngoại nhập được bày bán phổ biến như các thương hiệu bia sản xuất trong nước. Các loại bia như Corona, Budweiser, Bit Burger, Leffe Brown, Hoegaarden White, MOA, Cooper, Bavaria... xuất xứ Mexico, Đức, Bỉ, Hà Lan... đã trở nên quen thuộc với nhiều người, cho dù giá các loại bia này cao gấp 2-3 lần so với bia sản xuất trong nước.
Điều khá bất ngờ là tốc độ tăng trưởng tiêu thụ của bia nhập khẩu qua những năm gần đây luôn đạt những con số ấn tượng. Hiện nay tại TP.HCM, mỗi tháng có hàng chục ngàn thùng bia các loại được nhập khẩu về qua các cảng. Cảng Cát Lái (Q.2) là cảng có lượng bia nhập khẩu lớn nhất khu vực phía Nam. Đa số bia nhập khẩu có xuất xứ từ Bỉ, Đức và Hà Lan. Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I, lượng bia nhập khẩu năm 2010 tăng tới 50% so với năm 2009. Theo thống kê chung với mặt hàng rượu, năm 2010 có khoảng 1,66 triệu sản phẩm được thông quan và đưa ra tiêu thụ trên thị trường.
Không chỉ nhập khẩu các loại bia không có nhà máy sản xuất tại VN, nhiều thương hiệu bia đã có sản xuất tại VN hàng chục năm nay vẫn được nhập về và tiêu thụ. Ông Trần Phương (ngụ ở đường Tôn Đản, Q.4) cho biết loại bia “Ken” đóng chai 250ml nhập khẩu từ Pháp đang được nhiều quán nhậu, nhà hàng thường xuyên đặt hàng thay cho bia “Ken” chai hoặc lon sản xuất tại VN.
Ông Phương cho biết “Ken” Pháp giá tới 480.000-500.000 đồng/thùng, mắc hơn khá nhiều so với “Ken” lon lùn 250ml sản xuất trong nước. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lựa chọn loại bia này. Theo ông Phương, hiện có rất nhiều nhà nhập khẩu loại bia này, chỉ riêng cơ sở ông mỗi tháng tiêu thụ hàng ngàn chai “Ken” Pháp.
Ngoài ra còn có “Ken” Hà Lan. Xu hướng thích uống bia ngoại nhập của người tiêu dùng VN khiến ngay cả nhà sản xuất cũng bổ sung lĩnh vực kinh doanh là nhập khẩu và phân phối bia. Và trong đợt tiêu thụ dịp tết vừa qua, một thương hiệu bia nổi tiếng đã xin giấy phép nhập khẩu tới 400.000 thùng.
Chỉ sau... Mỹ, Pháp
Trong buổi giới thiệu hoạt động trách nhiệm xã hội của Công ty TNHH nhà máy bia VN (VBL) tại TP.HCM vào giữa tháng 5-2011, ông Michel de Carvalho, chủ sở hữu thương hiệu bia Heineken, đã tỏ ra ngạc nhiên về tốc độ tiêu thụ nhãn hiệu bia này tại VN. Trong năm 2010 người Việt đã uống hơn 200 triệu lít bia nhãn hiệu này, chỉ sau Mỹ, Pháp trong danh sách 170 thị trường trên thế giới mà dòng bia này có mặt.
Ông Michel de Carvalho dự báo đến năm 2012 VN sẽ chiếm vị trí thứ hai của Pháp để trở thành thị trường tiêu thụ quan trọng của Heineken, chỉ xếp sau Mỹ. Và khả năng đến năm 2015 VN sẽ trở thành thị trường tiêu thụ bia Heineken... lớn nhất thế giới! Theo ông Carvalho, tốc độ tăng trưởng bia thương hiệu này ở thị trường VN luôn là một thí dụ mà ông hay kể khi đến các thị trường khác.
Trong khi đó, doanh nghiệp đang làm chủ một loạt thương hiệu bia nội địa nổi tiếng hiện là Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với các nhãn hàng “333”, “Sài Gòn xanh”, “Sài Gòn đỏ”, “Saigon Special”... còn tỏ ra “vượt trội” hơn cả VBL, bởi vào gần cuối năm 2010 Sabeco đã đánh dấu cột mốc tiêu thụ 1 tỉ lít bia các loại.
Và “kết sổ” năm 2010 doanh nghiệp này tiêu thụ tổng cộng 1,088 tỉ lít bia các loại, bằng 109% kế hoạch và tăng 21% so với cùng kỳ năm 2009. Năm 2011, doanh nghiệp này cũng không ngại ngần đặt mục tiêu tiêu thụ 1,3 tỉ lít bia và dự kiến đạt mốc 2 tỉ lít bia trong năm 2015 vì tốc độ tiêu thụ bia tại thị trường VN “chỉ thấy tăng chứ không bao giờ thấy giảm, bất kể tình hình kinh tế có khó khăn cỡ nào”.
Đầu tư dồn dập
Do tốc độ tiêu thụ bia tăng nhanh nên nhiều nhà máy bia có công suất hàng trăm triệu lít/năm “đua” nhau đi vào hoạt động.
Chỉ trong vòng 20 ngày đầu của tháng 3-2011, Sabeco đã đưa vào hoạt động ba nhà máy sản xuất bia tại Quảng Ngãi và Hà Nam với tổng vốn đầu tư trên 2.000 tỉ đồng, tổng công suất xấp xỉ 300 triệu lít/năm cho loại bia lon và bia hơi. Trước đó vào tháng 2-2011, Sabeco cũng tổ chức lễ khởi công gói thầu số 8 dự án Nhà máy bia Sài Gòn - Hà Tĩnh, được xây dựng với tổng mức đầu tư khoảng 480 tỉ đồng, thuộc nguồn vốn đầu tư phát triển của tổng công ty, công suất sản xuất khi hoàn thành là 50 triệu lít bia/năm.
Nếu tính thêm các dự án nâng công suất hoặc xây mới, Sabeco còn có dự án nâng công suất Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi lên 264 triệu lít, dự kiến hoàn thành trong năm nay. Riêng dự án Nhà máy bia Sài Gòn - Vĩnh Long công suất 200 triệu lít/năm sẽ bắt đầu thực hiện từ năm 2011, đến năm 2014 hoàn tất.
Và nếu thêm cả dự án Nhà máy bia Sài Gòn - Ninh Thuận khởi công hồi tháng 4-2010 trên diện tích 20ha, có tổng mức đầu tư khoảng 680 tỉ đồng, công suất sản xuất khi hoàn thành là 50 triệu lít bia/năm, tính ra Sabeco “tròm trèm” có thêm gần 500 triệu lít bia các loại trong các năm tới. Theo công bố của Sabeco, doanh nghiệp này đã hoạch định mục tiêu tăng trưởng sản xuất giai đoạn 2011-2015 có tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp đạt 14-16%/năm, sản lượng bia tăng 13-15%/năm và sẽ đạt 1,8 tỉ lít vào năm 2015.
Giám đốc điều hành VBL David Teng cho biết VBL sẽ đầu tư khoảng 68,1 triệu USD để nâng công suất của nhà máy tại TP.HCM. Với khoản đầu tư này, VBL sẽ nâng công suất sản xuất bia của nhà máy tại quận 12 từ 280 triệu lít/năm lên 420 triệu lít/năm trong vòng 12 tháng tới.
LÊ NAM - TRẦN VŨ NGHI - BẠCH HOÀN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Affiliate Network Reviews