Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

Còn thắt chặt tiền, lãi suất khó giảm


 Cần linh hoạt hơn trong điều hành chính sách tiền tệ mới có thể giải bài toán lãi suất cao. Đó là ý kiến của PGS.TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, về cuộc đua lãi suất. 
Lãi suất cho vay quá cao như hiện nay đang khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn - Ảnh: T.ĐẠM
Mỹ lạm phát là 3,2% nhưng lãi suất huy động là 0,5%/năm; con số này ở châu Âu là 2,8 và 2,2%; Trung Quốc 5,3% và 3,25%; Singapore 5% và 0,5%; Thái Lan 3,27% và 1,5-2,1%. Việt Nam lạm phát dự kiến trên 15% nhưng hiện các ngân hàng trả cho người gửi 17-18%, gánh nặng lãi suất đổ lên người vay, người sản xuất, người lao động
Ông Trần Hoàng Ngân
Ông Ngân nói:
- Nghị quyết 11 của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội đã xác định rất rõ là chính sách tài khóa thắt chặt và điều hành chính sách tiền tệ phải chặt chẽ, thận trọng để đảm bảo công ăn việc làm và duy trì tăng trưởng của nền kinh tế ở mức hợp lý 6-6,5%/năm. Nhưng thực tế điều hành chính sách tiền tệ lại theo hướng thắt chặt, lạm phát vẫn rất cao.
Vì vậy, bên cạnh việc giám sát cắt giảm 97.000 tỉ đồng đầu tư công thì phải nhanh chóng giảm lãi suất. Lãi suất chỉ giảm khi chính sách tiền tệ thật sự linh hoạt và được điều hành theo đúng định hướng là chặt chẽ và thận trọng.
* Chính sách tiền tệ đã thắt chặt đến mức nào?
- Nền kinh tế tăng trưởng như cơ thể đang phát triển (làm thêm nhiều hàng hóa, dịch vụ), vì thế cần bổ sung máu (tiền trong lưu thông) để cơ thể hoạt động nhịp nhàng. Năm 2011 kinh tế tăng trưởng trên 6%, dự kiến tiền trong lưu thông tăng thêm 16%. Con số 16% cũng được xem là thắt chặt vì mọi năm con số này lên đến
25-30%. Thế nhưng trong năm tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước chỉ bơm thêm 1%, dẫn đến một cơ thể lớn nhưng bị thiếu máu.
Tình trạng thiếu máu trầm trọng hơn khi giá cả tăng. Năm tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 12%, kinh tế tăng trưởng 5,43%, vì vậy cần phải có thêm tiền thì hoạt động của nền kinh tế mới không bị ảnh hưởng. Giả sử rằng ở thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước có sử dụng hết chỉ tiêu tăng lượng tiền trong lưu thông của cả năm 2011 thì cũng chỉ đủ bù đắp cho mức tăng của giá cả và tăng trưởng kinh tế.
* Vậy nút thắt của bài toán lãi suất là gì và khi nào lãi suất sẽ giảm?
- Chúng ta quyết giữ tín dụng tăng trưởng dưới 20% thì phải linh hoạt hơn trong việc cung ứng tiền cho nền kinh tế trong hạn mức 16% đã được cho phép, cuộc đua lãi suất mới hạ nhiệt. Mức 16% tăng thêm là chỉ tiêu của cả năm 2011, bơm lúc nào là nghệ thuật của Ngân hàng Nhà nước. Không đợi đến cuối năm mới đạt được con số này, mà bơm ra, hút về nhịp nhàng để hỗ trợ kinh tế và kiểm soát lạm phát, nếu không vấn đề lãi suất cao sẽ khó hạ nhiệt.
* Còn các giải pháp hành chính, liệu có nên điều chỉnh trần lãi suất huy động?
PGS.TS Trần Hoàng Ngân
- Tiền đang bị thắt chặt, vì vậy giải pháp hành chính khó làm thay đổi tình hình. Theo tôi, phải bỏ ngay trần lãi suất huy động, cũng không nên áp trần lãi suất cho vay vì trở lại bệnh cũ, không khả thi. Nên bỏ trần để tăng tính minh bạch cho thị trường.
Vừa qua quy định trần lãi suất huy động nhưng thanh tra Ngân hàng Nhà nước không đủ sức giám sát, một số ngân hàng không tuân thủ pháp luật, thiếu tôn trọng đạo đức kinh doanh đã dẫn đến đua lãi suất. Nếu áp dụng trần lãi suất huy động thì Ngân hàng Nhà nước phải sẵn sàng cho các ngân hàng thương mại vay khi cần vốn ở mức lãi suất trần đã quy định. Nếu không, mức trần mới có thể là điểm xuất phát mới cho các cuộc đua lãi suất huy động.
Cũng không nên có trần lãi suất cho vay vì năm 2008 Ngân hàng Nhà nước từng áp dụng, sau đó các ngân hàng đã lách bằng cách đặt ra nhiều loại phí, cuối cùng phải bỏ trần lãi suất cho vay. Rất khó để áp trần lãi suất cho vay vì hiện nay các ngân hàng đã huy động 16-17%/năm, chi phí hoạt động 3%, cả thảy là 19-20%, nếu cho vay 18% thì ngân hàng lấy gì bù vào, rồi họ cũng sẽ lách.
Nếu dỡ bỏ trần lãi suất huy động, lãi suất có thể tăng lên, người gửi tiền phải cân nhắc khi gửi cho ngân hàng có lãi suất cao, bởi lãi suất càng cao thì rủi ro càng lớn, trong khi bảo hiểm tiền gửi chỉ có giới hạn.
* Liệu có mâu thuẫn khi một mặt chúng ta vẫn phải đeo đuổi mục tiêu chống lạm phát nhưng lại linh hoạt hơn trong chính sách tiền tệ?
- Chúng ta linh hoạt chứ không nới lỏng tiền tệ, vả lại lạm phát hiện có nhiều yếu tố của giá cả tăng, trong khi chi tiêu công đã thắt chặt. Các năm trước tín dụng tăng 25-30%/năm, gây sức ép lớn lên lạm phát. Năm nay tín dụng tăng dưới 20% đã phát đi tín hiệu vay vốn khó khăn hơn. Vì vậy phải linh hoạt để giảm lãi suất và dùng lãi suất để đưa vốn đến các mục tiêu ưu tiên: vay sản xuất, làm hàng xuất khẩu thì 14-15%/năm; đi buôn 16-18%/năm; tiêu dùng, đầu tư chứng khoán 22-25%... Đừng hoảng hốt khi ngân hàng đưa ra lãi suất vay tiêu dùng để mua ôtô đến 25%/năm. Tại Thái Lan, vay sản xuất 6-7%/năm nhưng vay tiêu dùng là 16-17%/năm.
* Lãi suất cao, ngoài điều hành, phải chăng còn nguyên nhân nào khác?
- Nhiều năm qua, chúng ta áp dụng nguyên tắc lãi suất huy động thực dương, tức cao hơn lạm phát, có lợi cho người gửi nhưng gây khó cho người vay. Thị trường chứng khoán cũng bị “vạ lây” khi cổ đông đòi hỏi cổ tức phải cao hơn lãi suất tiết kiệm, nếu không họ sẽ gửi ngân hàng. Hệ quả của chính sách lãi suất tiền gửi thực dương là khuyến khích tiêu dùng thay vì sản xuất.
Ở các nước, người ta theo nguyên tắc thực dương với lãi suất cho vay. Người gửi tiền phải chấp nhận lãi suất thấp hơn lạm phát nhưng thị trường chứng khoán sẽ thu hút được vốn, doanh nghiệp tạo công ăn việc làm.
Chúng ta sớm tiếp cận nguyên tắc điều hành lãi suất mới, có lộ trình thực hiện để hướng tiền nhàn rỗi chảy vào kênh đầu tư. Phải điều hành tỉ giá theo hướng giữ USD không có lợi. Vàng thì chỉ còn cơ hội tăng giá do yếu tố bên ngoài, vì thế rủi ro rất cao. Tới đây việc cho vay bất động sản tiếp tục bị siết, cơ hội tăng giá cao không còn nữa. Khi đó chỉ còn kênh góp vốn, mua cổ phần để hưởng lợi từ hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp.
THANH TUYỀN thực hiện

Giá vàng trong nước tăng chậm

 Giá vàng thế giới cuối ngày 24-5 lên 1.523 USD/ounce, tăng 12 USD/ounce (300.000 đồng/lượng) so với ngày 23-5 nhưng giá vàng trong nước tăng rất chậm.
Sáng 24-5 có thời điểm giá vàng trong nước lên 37,57 triệu đồng/lượng nhưng sau đó giảm lại, cuối ngày giá vàng bán ra còn 37,55 triệu đồng/lượng.
Giao dịch trên thị trường vàng rất chậm do ảnh hưởng từ các thông tin về vàng miếng kém chất lượng
Giao dịch trên thị trường vàng rất chậm do ảnh hưởng từ các thông tin về vàng miếng kém chất lượng. Giới kinh doanh vàng cũng án binh bất động chờ thông tin chính thức về quản lý vàng miếng trên thị trường tự do.
Theo các bản tin phân tích giá vàng thế giới đang tăng giá với vai trò tài sản an toàn khi khủng hoảng nợ EU đang lên cao. Quỹ đầu tư tín thác bằng vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust ngày 23-5 tiếp tục mua vào 7,58 tấn vàng, nâng tổng số vàng nắm giữ của quỹ lên 1.209,53 tấn - cao nhất kể từ ngày 5-5. Như vậy sau 8 phiên bán ra liên tiếp, SPDR đã mua vào 2 phiên tổng cộng 18,19 tấn vàng, nhiều hơn tổng lượng bán ra trong 6 phiên trước đó.
Trung Quốc mua vào hơn 200 tấn vàng trong 4 tháng đầu năm, trong khi cả năm 2010 nước này mua 240 tấn.
Theo số liệu từ Hội đồng vàng thế giới, chỉ riêng trong tháng 4 Trung Quốc mua vào 93,5 tấn. Lượng mua vàng của Trung Quốc trong quý 1 cũng tăng 55% so với quý 4-2010 và hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Theo giới chuyên gia, với tình hình tài chính căng thẳng như hiện nay vai trò đồng tiền an toàn của USD sẽ bị suy yếu trong ít nhất 2 tháng tới và là yếu tố hỗ trợ cho vàng tăng giá.
A.H.

Mỹ phủ nhận thông tin về ADN của cựu tổng giám đốc IMF

 Theo TTXVN, ngày 24-5, Cảnh sát thành phố New York (Mỹ) chính thức bác bỏ những thông tin nói rằng đã tìm thấy dấu vết ADN của cựu tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn trên quần áo của nữ nhân viên dọn phòng tại khách sạn Sofitel New York.
Một người phát ngôn của Sở Cảnh sát New York khẳng định cho đến nay các điều tra viên vẫn chưa "công bố kết quả và thông tin liên quan" về việc thử ADN.
Trước đó, nhiều hãng truyền thông của Mỹ và Pháp cho biết đã tìm thấy ADN của ông Dominique Strauss-Kahn trên áo sơ mi của nữ nhân viên 32 tuổi nói trên, người đã cáo buộc cựu Tổng Giám đốc IMF cưỡng bức cô trong khách sạn hôm 14-5 vừa qua. Các hãng này đều khẳng định dẫn nguồn tin thân cận với cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, phát hiện trên nếu đúng chỉ có thể chứng tỏ có hành động tình dục nhưng không thể khẳng định đã xảy ra vụ tấn công tình dục hay hành vi nào tương tự như vậy. Cho đến nay, ông Dominique Strauss-Kahn vẫn bác bỏ những cáo buộc nhằm vào ông.
Trước đó, ngày 24-5, Wall Street Journal cho biết các mẫu xét nghiệm ADN cho thấy có dấu vết tinh dịch của cựu tổng giám đốc IMF trên áo của cô dọn phòng khách sạn.
Vụ xìcăngđan của ông Dominique Strauss-Kahn càng khiến IMF phải nhanh chóng cải tổ - Ảnh: Reuters
Trang web của kênh truyền hình France 2 cũng đưa tin các mẫu ADN được tìm thấy trên cổ áo sơmi của cô gái này là tinh trùng của ông Strauss-Kahn.
Theo NBC, việc xét nghiệm ADN trên các vật chứng khác lấy từ phòng khách sạn ông Strauss-Kahn từng ở vẫn đang tiếp tục.
Tuy nhiên, các luật sư của ông Strauss-Kahn từ chối bình luận về tin tức này. Ông Strauss-Kahn đã nộp mẫu ADN của ông sau khi bị bắt và hiện đang được bảo lãnh, bị quản thúc chờ xét xử.
Wall Street Journal dựa trên những lập luận của các luật sư tại tòa, cho rằng phía ông Strauss-Kahn sẽ bào chữa trên cơ sở hướng các quan tòa vào việc coi đây là một vụ quan hệ tình dục mà hai bên đồng thuận.
Bộ trưởng tài chính Pháp sẽ trở thành giám đốc IMF?
Bộ trưởng tài chính Pháp Christine Lagarde hiện vẫn đang giữ im lặng trước câu hỏi của giới truyền thông về khả năng bà thay thế ông Dominique-Strauss Kahn giữ cương vị tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).
Bộ trưởng tài chính Pháp Lagarde - Ảnh: Reuters
Ngày 24-5, Hội đồng điều hành của IMF đã công bố các điều kiện, quy định và kế hoạch lựa chọn một tổng giám đốc mới. Theo đó, IMF dự kiến có nhà lãnh đạo mới vào cuối tháng 6. Hiện giờ, bà Lagarde được coi là ứng cử viên hàng đầu, bởi bà nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ châu Âu, bao gồm Pháp, Đức và Anh.
Kể từ khi được thành lập năm 1945, cương vị tổng giám đốc IMF vẫn thuộc về một người châu Âu trong khi vị trí chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) do một người Mỹ đảm nhiệm.
Trên Tân Hoa xã, Tổng thư ký Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế (OECD) Miguel Angel Gurria nói điều quan trọng là tiến trình lựa chọn: “Nếu tiến trình cởi mở, nhanh chóng và minh bạch, chúng ta sẽ có một ứng viên tốt và một tổng giám đốc tốc cho IMF”.
Các đối thủ của Lagarde hiện bao gồm Thống đốc ngân hàng trung ương Mexico Agustin Carstens, đã được đề cử. Ông Carstens từng giữ cương vị phó giám đốc điều hành IMF đến năm 2006. Trong cuộc họp thượng đỉnh của G8 tuần này ở Pháp, chủ đề tìm người thay thế ông Strauss-Kahn cũng sẽ được đề cập.
H.MINH

Bão Songda đổ vào khu vực phía đông miền trung Philippines


Hồi 19g ngày 24-5, vị trí tâm bão Songda ở trên khu vực phía Đông miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15. 
Đường đi và vị trí cơn bão
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và còn tiếp tục mạnh thêm.
Đến 19 giờ ngày 25-5, vị trí tâm bão ở trên khu vực phía Đông miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (tức là từ 118 đến 133 km một giờ), giật cấp14, cấp 15.
Ngoài ra, do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa dông mạnh, trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương

Đề nghị kỷ luật cảnh cáo giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP


 Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản gửi Sở Nội vụ TP xem xét quyết định về việc xử lý kỷ luật đối với ban giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.
Theo đó, Sở Y tế đề nghị hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với ông Lê Thanh Hải - giám đốc trung tâm, kỷ luật khiển trách đối với ông Lê Văn Nhân - phó giám đốc.
Riêng ông Nguyễn Đắc Thọ - phó giám đốc - phê bình nghiêm khắc.
Theo Sở Y tế TP, ông Hải phải chịu trách nhiệm đối với các sai phạm mà Thanh tra TP đã kết luận. Ngoài ra, ông Hải còn phải chịu trách nhiệm đối với các sai phạm của tập thể, cá nhân khác trong trung tâm với tư cách là người đứng đầu vì đã để xảy ra các sai phạm về mặt tổ chức, sai phạm về hành chính, sai phạm trong công tác tài chính, sai phạm trong công tác đấu thầu…
Nguyên nhân và hậu quả bao trùm của những sai phạm này là vấn đề mất đoàn kết trầm trọng.
Đối với ông Nhân, phải chịu trách nhiệm về việc không kê khai vào lý lịch đảng viên cũng như lý lịch cán bộ là từng bị kỷ luật cảnh cáo buộc thôi học (năm 1989) của viện trưởng Học viện Quân y.
Riêng ông Thọ, Sở Y tế đánh giá chỉ giỏi về chuyên môn nhưng yếu kỹ năng quản lý hành chính, chưa hiểu rõ quy định của pháp luật dẫn đến sai phạm nhưng chưa gây hậu quả, thiếu đấu tranh xây dựng nội bộ.
L.TH.H.

Vụ vàng miếng kém chất lượng: Nhiều người bán vàng nhẫn


 Nhiều tiệm vàng cho biết sau khi thị trường xuất hiện thông tin về vàng nguyên liệu kém chất lượng, số người đi bán vàng nhẫn tăng vọt. Tuy nhiên các tiệm vàng rất thận trọng, chỉ mua vàng nhẫn do tiệm mình sản xuất, nếu khác thương hiệu người bán phải chấp nhận để chủ tiệm vàng thử bằng cách đốt sản phẩm.
Bà Nguyễn Ngọc Quế Chi, tổng giám đốc Công ty vàng Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBJ), cho biết trước đây các tiệm vàng chỉ thử bằng phương pháp đánh đá hoặc đo tỉ trọng vàng nhưng hiện nay các phương pháp thử này không phát hiện được vàng độn tạp chất. Trong khi nếu đốt sản phẩm sẽ phát hiện vàng bị trộn tạp chất vì khi đó bề mặt vàng không còn trơn bóng mà nổi lên các cặn li ti hoặc “sủi bọt”.
Tuy nhiên theo các công ty vàng, phương pháp đốt sản phẩm có nhược điểm làm biến dạng bề mặt sản phẩm, nhẫn không còn đẹp tròn như trước. Do vậy các tiệm vàng phải giao kèo trước với khách hàng, trường hợp khách hàng không đồng ý hoặc khi thử phát hiện trong vàng có độn tạp chất các tiệm vàng cũng sẽ từ chối mua sản phẩm.
Việc các tiệm vàng thận trọng khi mua vàng nhẫn không chỉ gói gọn trong địa bàn TP.HCM mà còn lan sang nhiều tỉnh thành lân cận. Trưởng phòng kinh doanh một công ty nữ trang lớn cho biết trong đợt thực tế vừa qua tại Lâm Đồng và một số tỉnh ĐBSCL cho thấy các tiệm vàng tại các địa phương cũng rất thận trọng khi mua lại vàng nhẫn và đều yêu cầu phải thử bằng cách đốt sản phẩm.
Ngoài ra, giá thu mua vàng nhẫn cũng rất cách biệt so với giá bán và dao động tùy tiệm, thường thấp hơn 40.000-50.000 đồng/chỉ, gấp cả chục lần so với vàng miếng. Bên cạnh đó, do quy ước tuổi của vàng nhẫn cũng không đồng đều, có nơi là 9,5 tuổi, 9,6 tuổi, có nơi lại 9,8 tuổi, do vậy hiện nay nhiều địa phương chỉ mua vàng do địa phương mình sản xuất hoặc ép giá mua vàng nhẫn do địa phương khác sản xuất.
Theo đại diện Công ty SJC, có dấu hiệu cho thấy người dân quay lại mua vàng miếng. Hai tuần trở lại rất nhiều tiệm vàng tại các tỉnh đến Công ty SJC đổi các miếng vàng một lượng thành miếng vàng nhỏ như 5 phân, 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ, mỗi ngày vài trăm lượng. Theo đại diện Công ty SJC, thay vì mua vàng nhẫn, người dân mua các miếng vàng nhỏ để cất giữ do tính thanh khoản của vàng miếng cao hơn lại an toàn hơn.
Sức mua các sản phẩm nữ trang cũng chậm hẳn, ngoài nguyên nhân vào mùa thấp điểm còn do lo ngại mua phải vàng kém chất lượng.
A.H.

Rừng và sông đầu nguồn tan nát


 Ngày 23 và 24-5, tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Viện Sinh học nhiệt đới (Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam) đã tổ chức hội thảo về quản lý tổng hợp rừng đầu nguồn và lưu vực sông.
Rừng nguyên sinh ở đông Trường Sơn đang bị “chảy máu”  - Ảnh: TRẦN THẢO NHI
TS Vũ Ngọc Long, phó viện trưởng Viện Sinh học nhiệt đới, cho rằng rừng và sông suối đầu nguồn suy thoái không chỉ tác động bất lợi đến đa dạng sinh học, các chức năng sinh thái, điều kiện tự nhiên khác mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống, đặc biệt với cộng đồng đang sống ở những lưu vực sông và các khu rừng.
Trọc lóc rừng đầu nguồn
Rừng quốc gia Cát Tiên và Cát Lộc ôm trọn sông Đồng Nai. Chính hai cánh rừng này cung cấp một lượng nước rất lớn cho người dân vùng hạ lưu. Thế nhưng qua 15  năm nghiên cứu và theo dõi, TS Vũ Ngọc Long chua chát: “Hiện trạng trên những quả đồi rừng Cát Lộc đều bị bào trọc bởi người dân phá rừng khai thác gỗ, lấy đất trồng những loại cây công nghiệp”.
"Có một thực tế là hiện nay ở một số vùng, người dân không phá rừng thì không có tiền để tồn tại được"
Ông Phạm Hữu Khánh (điều phối viên dự án phát triển du lịch sinh thái vườn quốc gia Cát Tiên)
328ha đất rừng Cát Lộc, vùng đệm của vườn quốc gia Cát Tiên, được giao cho dân địa phương quản lý, sau năm năm hiện chỉ còn khoảng 10-20ha. Nguyên nhân rừng Cát Lộc trọc lóc, theo TS Long, do chính quyền giao rừng cho dân nhưng lại không theo dõi và quản lý chặt.
Những con đường mở ra và người dân di cư từ các nơi đến đã nhanh chóng triệt phá những cánh rừng để khai thác gỗ, lấy đất trồng cây công nghiệp. Rừng Cát Lộc bị tàn phá sẽ làm “túi nước” trong khu vực vườn quốc gia Cát Tiên và các vùng phụ cận bị cạn kiệt, dẫn đến nguồn nước cung cấp cho sông Đồng Nai bị giảm rất lớn.
Thủy điện “uống” hết nước của dân
Theo TS Đào Trọng Tứ - giám đốc Trung tâm Thủy văn phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (đại diện khoa học Viện Quản lý nước quốc tế - IWMI), việc phát triển ồ ạt các công trình thủy điện trong những năm qua đã và đang đặt tài nguyên nước nói riêng và hệ sinh thái của các vùng đầu nguồn, các sông suối Việt Nam vào tình trạng báo động về cạn kiệt và suy thoái khó hồi phục.
Hiện hệ thống sông ngòi Việt Nam đang phải gánh trên mình hơn 500 công trình thủy điện lớn nhỏ. Theo quy hoạch của Bộ Công thương, dự kiến có 1.021 công trình thủy điện được xây dựng trong thời gian tới. Ông Tứ lo lắng: “Các công trình thủy điện phần lớn có hồ chứa với dung tích từ vài triệu đến trên 10 tỉ m3 và có diện tích mặt hồ ngập nước từ vài chục đến hàng trăm ngàn hecta. Phần lớn các công trình thủy điện của ta chủ yếu làm nhiệm vụ sản xuất điện năng chứ ít khi tham gia phòng chống lũ cũng như hạn hán cho vùng hạ lưu”.
Sông Đồng Nai trước đây có tổng trữ lượng nước dưới đất 22 triệu m3/ngày. Nhưng từ khi xây các đập thủy điện, lượng nước đã giảm hẳn, tới mức tiệm cận dần với ngưỡng hạn chế về nguồn nước, đặc biệt thiếu nước trong mùa khô nhưng mùa mưa lại có lũ dữ và sạt lở ở hạ du. Ví dụ rõ nét nhất là thác Pongour, từng được người Pháp tôn vinh là dòng thác hùng vĩ nhất Đông Dương, cao 40m, rộng 100m, nước tuôn ào ạt xuống vách đá bảy tầng nhưng từ năm 2008 khi đập thủy điện Đại Ninh tích nước thì Pongour cạn khô, trở thành dòng thác chết.
Ông Tứ cũng quan ngại việc Trung Quốc dự kiến xây dựng 15 bậc thang thủy điện với tổng công suất lắp máy lên đến 22.860 MW, tổng dung tích chứa 52,81 tỉ m3 nước ngay nơi đầu nguồn trên dòng chính sông Mekong. “Sông Mekong phần lãnh thổ Trung Quốc sẽ được khai thác triệt để cho mục đích phát điện. Gần như toàn bộ phần sông Mekong ở Trung Quốc sẽ biến thành các vùng hồ. Sinh thái và cảnh quan sông hầu như sẽ không còn” - ông Tứ cảnh báo.
Suy giảm cả về số lượng và chất lượng
“Chưa bao giờ tài nguyên nước lại trở thành trăn trở và cần thiết như hiện nay” - GS.TSKH Dương Ngọc Hải, phó chủ tịch Viện Khoa học công nghệ Việt Nam, nói và nêu ví dụ cụ thể: tài nguyên nước mặt ở hạ du các công trình hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên những lưu vực sông chính ở nước ta như sông Hồng, Đồng Nai, sông Ba, Vu Gia - Thu Bồn... thấp hơn trung bình hằng năm từ 15-40%.
Riêng các sông ở Nam Trung bộ như Bình Định, Bình Thuận hiện nay lượng dòng chảy thấp hơn trung bình hằng năm đến 55-80%. Sông Hồng, sông Thao có những thời kỳ dài trơ đáy, nguồn nước còn lại quá nhỏ. Ông Hải nêu thực tế: “Rừng đầu nguồn hiện đang bị suy giảm cả về số lượng và chất lượng đã dẫn đến không còn khả năng giữ nước và sinh thủy nữa”.
Ngoài Trung Quốc, cũng trên dòng chính sông Mekong, Lào và Thái Lan có dự án xây dựng khoảng 12 bậc thang để làm đập thủy điện. Những thủy điện trên dòng Mekong sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho việc phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây nguyên và vùng ĐBSCL. Theo nghiên cứu mới đây của Ủy ban Thế giới về đập, khoảng 80 triệu người trên lưu vực sông Mekong đã và sẽ phải di dời để dành đất cho các đập thủy điện.
TS Per Stalnacke - trưởng nhóm Những vấn đề xã hội của Bioforst (Viện Nghiên cứu nông nghiệp và môi trường Na Uy), sau một thời gian nghiên cứu dòng sông Sê San và Sêrêpok đã đi đến kết luận: khi các đập thủy điện được xây dựng, tài nguyên nước trên cả hai dòng sông này có sự thay đổi theo hướng tiêu cực rất lớn so với năm 1998.
“Nguồn thủy sản, chất lượng nước, khối lượng nước... đã giảm rất lớn so với trước. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân lưu vực hai dòng sông. Bệnh tật xuất hiện nhiều và việc người dân gặp rất nhiều khó khăn trong canh tác nông nghiệp cũng đã xảy ra” - TS Per Stalnacke nói.
GS Bert Covert, Trường ĐH Colorado (Mỹ), cho rằng việc xây dựng đập thủy điện trên đầu nguồn các dòng sông trong thời gian qua chưa tính đúng, tính đủ đến lợi ích của các bên. “Việc xây dựng các đập thủy điện, khai thác tài nguyên nước của các dòng sông phải tính toán đến yếu tố môi trường, phát triển kinh tế và hai lợi ích đấy phải được cân bằng”.
Làm sao lấy lại “sức khỏe” cho dòng sông?
Theo các nhà khoa học, những điều cần làm trước tiên như: nhanh chóng giảm và cho dừng một số thủy điện trên sông đầu nguồn; nâng cao nhận thức và đời sống cho người dân đầu nguồn; cần có ngay bộ khung pháp lý để quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên theo liên kết giữa các tỉnh thành, vùng trong nước và giữa quốc gia này với quốc gia khác...
Tổng lãnh sự Úc tại TP.HCM, ông Graeme Swift đặt câu hỏi: Làm thế nào để nâng mức sống, kế sinh nhai cho người dân địa phương nhằm hạn chế việc phá rừng của người dân? Trả lời vấn đề này, ông Phạm Hữu Khánh - điều phối viên dự án phát triển du lịch sinh thái vườn quốc gia Cát Tiên - nói: “Có một thực tế là hiện nay ở một số vùng, người dân không phá rừng thì không có tiền để tồn tại được. Do đó chúng ta cần quyết liệt triển khai các dự án để nâng cao đời sống cho người dân sống trong và gần các khu rừng”.
GS Bert Covert cho rằng cần xác định trách nhiệm của các bên liên quan để có thể đưa ra hướng chung nhằm bảo vệ tài nguyên rừng và sông đầu nguồn. Ông kiến nghị: “Chính phủ Việt Nam cần được tư vấn mạnh mẽ để ngăn chặn hoặc giảm thiểu việc xây dựng đập thủy điện, không chuyển rừng nghèo sang trồng cao su. Các tổ chức nhà nước cần hợp tác và quản lý tốt ngành thủy điện. Quản lý rừng và lưu vực cũng cần có sự liên kết giữa các tỉnh, các vùng và các quốc gia với nhau”.
ĐỨC TUYÊN

Rước họa từ rượu bia


 Phản hồi cho bài viết “Người Việt tiêu thụ hàng tỉ lít bia/năm” trên Tuổi Trẻ 24-5, nhiều ý kiến lo lắng nhậu nhiều có phải là nguyên nhân của tai nạn giao thông tăng cao. Và đúng như vậy, các bệnh viện cho biết gần 50% tai nạn giao thông có sử dụng rượu bia.
Những cuộc nhậu quá đà là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn giao thông - Ảnh: N.C.T.
Đã qua cơn nguy kịch, nhưng ông Nguyễn Phúc Cảnh (64 tuổi, TP Phủ Lý, Hà Nam) vẫn không thể nhớ nổi vì sao mình bị tai nạn. “Lúc đó thấy đông người, đông xe, tôi đã cẩn thận dừng xe, chống chân ở sát lề đường bên phải. Không ngờ một phút sau chỉ kịp nghe tiếng rầm ngay cạnh mình, tôi ngã ra bất tỉnh và không còn hay biết gì nữa” - ông Cảnh kể.
Người gây tai họa cho ông Cảnh là một lái xe tải, vừa tròn 20 tuổi. Khi gây ra tai nạn, người lái xe thú nhận đã nhâm nhi vài “tợp” rượu vào bữa trưa, trước đó chừng 30 phút. Trước khi lao như điên vào ông già tội nghiệp đang đứng yên sát lề đường, người lái xe đã loạng choạng lấn sang đường ngược chiều, va vào xe khách, quá hoảng hốt lái xe quặt tay lái trở lại, hất tung ông Cảnh lên mấy mét.
“Cũng may bố tôi đã qua cơn hiểm nghèo. Sự sống đã giành lại, nhưng não có vấn đề và toàn thân bị liệt. Người lái xe không phải dân nghiện rượu, bố mất sớm, mẹ cũng bị liệt, chỉ ham vui uống chút rượu mà gây họa lớn. Gia đình tôi cũng không nỡ truy tố hay bắt đền gì nữa” - người con trai ông Cảnh chia sẻ.
Rước họa cho mình, cho người
Không say không về
Ở Cần Thơ về đêm, một số tuyến đường tràn ngập bàn nhậu. Thật ra tôi cũng không biết dân ở đâu rảnh rang đi nhậu suốt và đông đến vậy. Bia ở nước ngoài người ta xem như thức uống giải khát chứ không phải uống để say xỉn như ở ta.
Rượu bia uống quá độ lâu dài dẫn đến sức khỏe yếu, phát sinh nhiều bệnh tật như gan thận..., chưa kể rượu bia làm gia tăng tai nạn giao thông ở một nước văn hóa giao thông còn yếu như VN.
Ở nước ngoài chỉ cần có chút hơi men là người dân tự giác không đi xe, ở VN thì lại toàn “yêng hùng”.
Có lẽ người dân VN nên xem lại cách giải trí bằng nhậu nhẹt. Chúng ta đã quá lạm dụng nó, gì cũng nhậu, không phải nhâm nhi chút ít mà phải là “không say không về”...
Binh Minh (minhnh@...)
Tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), nơi tiếp nhận chủ yếu bệnh nhân nặng do tai nạn giao thông ở khu vực phía Bắc, ngoài việc thực hiện xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân phục vụ việc điều trị, phòng xét nghiệm sinh hóa còn làm thêm nhiệm vụ xác định nồng độ cồn trong máu của những ca bệnh liên quan đến tai nạn giao thông.
Theo ông Trần Văn Chanh - điều dưỡng viên Bệnh viện Việt Đức, có đến gần một nửa trường hợp tai nạn giao thông nhập viện mỗi ngày có nguyên nhân liên quan đến rượu. “Phần lớn trường hợp tai nạn do rượu đều rất nặng. Họ điều khiển xe trong trạng thái không làm chủ được bản thân, vào viện hầu như không còn biết gì nữa...” - ông Chanh cho hay.
Uống rượu, nhiều người gây họa cho chính mình, thương tật vĩnh viễn rồi vẫn không tin tai nạn lại... dễ thế. Ngày 5-5, anh Trần Văn T. (32 tuổi, Nam Định) tự đâm vào cột điện sau khi uống rượu liên hoan cùng đồng nghiệp, chia tay cơ quan cũ, chuẩn bị chuyển chỗ làm mới.
Từ một trụ cột kinh tế của gia đình, nuôi mẹ già, vợ bệnh tật cùng hai con nhỏ, anh T. giờ bị chấn thương tủy sống, liệt nửa người, không thể tự phục vụ những sinh hoạt cá nhân. Ngày 12-5, anh Hứa Thanh T. (25 tuổi, Hà Nội) uống rượu rồi điều khiển xe máy, tự đâm vào... xe rác dừng bên vệ đường, chấn thương sọ não nặng, trên đường chuyển vào bệnh viện đã tử vong.
Trước đó đầu tháng 3, khi anh Nguyễn Mạnh D. đang điều khiển ôtô đúng phần đường ở khu vực Q.Cầu Giấy, Hà Nội thì nghe tiếng rầm đằng sau. Xuống xe, anh D. mới giật mình vì thấy người vừa đâm vào xe mình là một thanh niên say rượu bí tỉ. Người thanh niên này tử vong trên đường tới bệnh viện.
Theo các bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Việt Đức, khi đã bị thần lưu linh đánh gục, hoàn cảnh bị tai nạn của nhiều người lắm khi kỳ lạ đến khó tin. Cột điện, xe rác, ôtô đang đỗ... những vật đã đứng bất động, dễ nhìn thấy nhưng những người say vẫn... hùng hổ lao vào.
1/5 người dân lạm dụng rượu bia
Điều tra gần nhất về tình hình sử dụng rượu bia ở VN do Viện Chiến lược và chính sách y tế thực hiện cho thấy tỉ lệ người dân có sử dụng rượu (ít nhất 1 lần/tuần) tại các địa bàn nghiên cứu là 33,5%.
Riêng trong nhóm nam giới, tỉ lệ này lên đến 64% và cao hơn hẳn so với điều tra tương tự ở 12 nước đang phát triển (50%). Tỉ lệ lạm dụng rượu (uống trên hai ly rượu loại 40 ml/ngày) là 18%, tỉ lệ lạm dụng bia là 5%. Trên 95% người có uống rượu sử dụng rượu nấu thủ công, họ uống 6,4 đơn vị rượu/ngày (mỗi đơn vị tương đương 10 gam rượu nguyên chất).
Một chuyên gia từng tham gia nghiên cứu này cho rằng điều đặc biệt ở VN là thời điểm uống rượu bia, không ít người có thể kề cà quán rượu quán bia từ buổi trưa, thậm chí từ buổi sáng và sau đó điềm nhiên đi khắp nơi làm việc, giao thiệp, tiếp xúc, gây khó chịu cho đồng nghiệp và đối tác.
 “Sau bữa sáng và bữa trưa, nhiều trường hợp bị tai nạn ngay trên đường đi làm hoặc quay lại cơ quan vì say xỉn” - chuyên gia này cho hay.
Thống kê tại Bệnh viện Việt Đức hai năm qua cho thấy trong số gần 20.000 ca cấp cứu vì tai nạn giao thông mỗi năm, có đến gần một nửa đã sử dụng rượu bia trước đó. Số liệu điều tra mới nhất về 3.239 trường hợp bị tai nạn giao thông gần đây cho kết quả 1.375 bệnh nhân (chiếm 42,4%) có nồng độ cồn trong máu.
Điều đáng lo ngại, mỗi năm Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận gần 200 bệnh nhân là trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi say rượu gây tai nạn, khoảng 200 trường hợp là nữ giới cũng vì uống rượu đến mức say không biết gì gây tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc là khi phần lớn các nước trên thế giới đã có chính sách quốc gia nhằm ngăn chặn lạm dụng bia rượu thì VN vẫn đang loay hoay xây dựng chính sách này. Các đề xuất từ năm 2006 của nhóm nghiên cứu tình trạng lạm dụng bia rượu ở VN, như cấm bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi, cấm quảng cáo, khuyến mãi, tiếp thị rượu bia... thì đến năm 2011 vẫn đang tiếp tục là... đề xuất.
NGỌC HÀ - LAN ANH
Uống rượu bia vẫn tham gia giao thông:
Quy định nhiều, thực thi yếu
Bắt tay xây dựng chính sách quốc gia về phòng chống tác hại bia rượu từ năm 2008, nhưng đến năm 2011 dự thảo lần 3 mới đang chuẩn bị lấy ý kiến. Bà Vũ Thị Minh Hạnh - phó viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế, thành viên ban soạn thảo - nói với Tuổi Trẻ:
- Nội dung trọng tâm chính sách này là hướng tới ba nhóm giải pháp chủ yếu: giảm tác hại, giảm cầu và kiểm soát cung. Hiện đang còn một số ý kiến chưa thống nhất đối với một số biện pháp cụ thể, đặc biệt là với nhóm giảm cầu và nhóm giảm tác hại.
* Những điểm mới nhất trong chính sách này là gì, thưa bà?
Không nên uống quá 1 lon bia/ngày
Theo bà Vũ Thị Minh Hạnh, Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo mỗi người không uống quá 2 đơn vị rượu/ngày, trong đó mỗi đơn vị rượu tương đương 10 gam rượu nguyên chất hoặc một lon bia nồng độ 5% hoặc một ly rượu vang 125 ml nồng độ 11%. Theo bà Hạnh, nếu nồng độ rượu 40%, mỗi người không nên uống quá hai ly (40 ml/ly)/ngày.
- Có hai điểm mới liên quan đến phòng ngừa tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia, gồm điều chỉnh, sửa đổi quy định về nồng độ cồn trong máu và khí thở của người tham gia điều khiển phương tiện giao thông đường sắt và đường thủy nội địa xuống bằng 0 (quy định hiện hành là 80ml/lít) giống như quy định đối với người tham gia điều khiển ôtô và các phương tiện cơ giới hiện nay. Đồng thời huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, nhóm tự quản giám sát, phát hiện, ngăn chặn các trường hợp sử dụng rượu bia tham gia điều khiển phương tiện giao thông.
Nếu chỉ trông chờ vào sự can thiệp của các cơ quan chuyên môn sẽ không kịp thời, không bao quát hết được mọi địa bàn.
* Vì sao đến nay mới bắt tay vào xây dựng chính sách quốc gia về phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia?
- Không phải chờ đến bây giờ Việt Nam mới ban hành các chính sách về chuyện này. Vấn đề này từng được đề cập trong... 35 văn bản quy phạm pháp luật (6 luật, 11 nghị định của Chính phủ, 3 quyết định, 4 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ...).
Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh của các văn bản quy phạm pháp luật này thường bị giới hạn trong trách nhiệm cụ thể của từng bộ ngành, từng lĩnh vực... Vì vậy cần ban hành một chính sách quốc gia để xác định những định hướng chung, tạo nên sự đồng bộ trong các quy định của mọi lĩnh vực thuộc đời sống xã hội đối với phòng chống tác hại của lạm dụng bia rượu.
Chính sách quốc gia là bước khởi đầu, chuẩn bị cho việc xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật phòng chống tác hại lạm dụng bia rượu dự kiến sẽ thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Sự cần thiết của việc ban hành chính sách quốc gia cũng như Luật phòng chống tác hại lạm dụng bia rượu đã được Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khuyến cáo với Đảng, Quốc hội, Chính phủ... từ tháng 12-2002.
* Điều gì nguy hiểm nhất khi lạm dụng rượu bia và tham gia giao thông?
- Rượu bia là chất kích thích, khi dung nạp dù ít hay nhiều đều dẫn đến các rối loạn về tâm thần. Mức độ nhẹ làm ngưỡng cảm giác, cảm nhận giảm, phản ứng chậm, tư duy logic giảm sút, gặp khó khăn trong phán đoán tình hình... Mức trung bình làm bệnh nhân đãng trí, tri giác thiếu chính xác... Mức độ nặng gây ra trạng thái choáng váng, không làm chủ được hành vi.
Các mức độ rối loạn như trên đều ảnh hưởng đến khả năng điều khiển và làm chủ các phương tiện khi tham gia giao thông của người sử dụng rượu bia. Vì vậy để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh khi tham gia điều khiển các phương tiện giao thông, tuyệt đối không nên sử dụng rượu bia.
LAN ANH thực hiện

Không thể không khai thác?

Lầu Tứ Phương Vô Sự thành quán cà phê:
- Sau khi báo Tuổi Trẻ và nhiều báo khác phản ánh việc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho thuê di tích lầu Tứ Phương Vô Sự thuộc khu di tích Đại Nội Huế làm quán cà phê, đã có rất nhiều bạn đọc gọi điện và gửi thư điện tử phản hồi về vấn đề này.
Quán cà phê Tứ Phương Vô Sự hiện thu hút chủ yếu người dân địa phương - Ảnh: Tiến Long
Nhiều nhà chuyên môn về văn hóa, lịch sử ở Huế cũng tỏ ý kiến không đồng tình cách “phát huy giá trị di tích” như ông Phùng Phu - giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế - trả lời trên báo Tuổi Trẻ ngày 24-5.
Nhà nghiên cứu văn hóa Huế Nguyễn Đắc Xuân cho rằng việc phục hồi lầu Tứ Phương Vô Sự là rất tốt, song phải làm sao cho du khách tham quan biết di tích này vốn có công năng gì. Do đó cần phải trang bị lại bàn học, tủ sách, sách vở, những hình ảnh... như của hoàng gia ngày xưa.
“Trên thế giới các di tích cũng có chỗ phục vụ giải khát nhưng chỉ tạm thời, có thể tháo dỡ bất cứ lúc nào, chứ không phải làm thành quán cà phê như ở Tứ Phương Vô Sự” - ông Xuân nói.
Ông Lê Văn Thuyên - tổng thư ký kiêm phó chủ tịch Hội Sử học Thừa Thiên - Huế, tổng biên tập tạp chí Huế Xưa & Nay - cho rằng ý đồ của nhà tổ chức tìm cách làm cho di tích có sinh khí và phát huy giá trị là rất tốt, song không phải phát huy bằng bất cứ giá nào.
“Hoạt động cà phê, cho dù là cà phê sách đi nữa, đưa vào di tích lầu Tứ Phương Vô Sự thì cũng bát nháo rồi, bởi vì khách đến uống cà phê đâu phải thuần những du khách yêu văn hóa. Các giải pháp để phát huy cũng phải cân nhắc hết sức cẩn thận, phải dựa vào đặc điểm, vị trí, tính chất của di tích. Chứ như hiện nay là một quán cà phê để cho tất cả các đối tượng đến ăn uống ngay trong di tích, theo tôi là không ổn” - ông Thuyên nhận xét.
Sau hơn hai ngày hoạt động, đến chiều 24-5 quán cà phê tại di tích lầu Tứ Phương Vô Sự vẫn tấp nập khách, đông nhất vào buổi sáng và buổi tối. Một người quản lý quán cho biết trong ngày 24-5 đón chừng 350 lượt khách. Theo quan sát của phóng viên, khách phần lớn đều là người dân Huế, bởi bãi đỗ xe có rất đông xe máy.
Ngày 24-5, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Cao, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế (đơn vị đã phê duyệt đề án này), nói: “Cũng phải làm (mở dịch vụ và trưng bày tại lầu Tứ Phương Vô Sự - PV), nhưng làm như thế nào thì phải tính lại”.
Ông Cao đề nghị phóng viên gặp ông Ngô Hòa - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh -  để có câu trả lời cụ thể. Ông Ngô Hòa cũng là người phát ngôn của UBND tỉnh, cho biết đã trao đổi với Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế lắng nghe ý kiến, xem cái gì chưa hợp lý thì điều chỉnh. “Còn khai thác thì vẫn khai thác!” - ông Hòa nhấn mạnh.
Ông Hòa nói thêm: “Việc này cũng xuất phát từ nhu cầu của du khách. Mình cũng muốn có điểm dừng chân cho du khách. Cà phê chỉ là một mảng thôi, còn nhiều hoạt động khác nữa như trưng bày, giới thiệu tìm hiểu về quần thể di tích. Chỉ là chỗ dừng chân của khách chứ không phải là điểm cà phê âm nhạc ồn ào. Còn cụ thể họ làm như thế nào thì không biết, nhưng tinh thần là đúng như vậy”.
THÁI LỘC

Trả tự do cho người hai lần bị tuyên tử hình

 Sau 3 ngày nghị án, sáng 24-5, hội đồng xét xử (HĐXX) vụ án “vườn mít" đã tuyên bị cáo Lê Bá Mai không phạm tội hiếp dâm trẻ em và giết người và tuyên trả tự do cho Lê Bá Mai ngay tại tòa.
Ngay sau đó, bị cáo Mai đã ký biên bản và nhận quyết định trả tự do. Mai được gia đình, người thân đón về trang trại nơi Mai làm thuê thời điểm xảy ra vụ án. Như vậy, bị cáo Lê Bá Mai đã được xử trắng án sau hơn 7 năm bị giam giữ và hai lần bị kết tội tử hình. 
Lê Bá Mai (áo trắng)
Trước đó, Viện KSND tỉnh Bình Phước đã đề nghị HĐXX tuyên phạt Lê Bá Mai từ 16-18 năm  tù về tội “hiếp dâm trẻ em” và tử hình về tội “giết người”.
Theo cáo trạng, ngày 12-11-2004 Lê Bá Mai đã hiếp dâm và giết em Thị Út (11 tuổi) tại khu vườn mít khi Út và chị là Thị Hằng, 13 tuổi đang đi mót củ sắn.
Năm 2005, hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm là TAND tỉnh Bình Phước và TAND tối cao tại TP.HCM đều tuyên án tử hình Lê Bá Mai.
Thay vì làm đơn xin ân xá, Lê Bá Mai liên tục viết đơn kêu oan. Cuối năm 2006, viện trưởng Viện KSND tối cao đã ra kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị điều tra bổ sung. Ngày 22-5-2007, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã ra quyết định hủy bản án hình sự phúc thẩm của tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM và bản án hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Phước. Trả hồ sơ các cơ quan tố tụng điều tra lại.
Sau một thời gian điều tra lại, ngày 30-11-2010, Viện KSND tỉnh Bình Phước có văn bản cho rằng kết quả điều tra bổ sung không làm thay đổi vụ án. Vì vậy, cơ quan này giữ nguyên quan điểm đã truy tố đối với Lê Bá Mai về các tội danh trên.
Trong phần tuyên án, HĐXX xét xử cho rằng đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, nếu có tội, bị cáo có thể sẽ chịu hình phạt cao nhất là tử hình nhưng cơ quan điều tra đã thực hiện không đầy đủ quy định của Bộ luật tố tụng hình sự trong việc chứng minh tội phạm, chỉ căn cứ vào lời khai nhận tội của bị cáo mà bỏ qua nhiều chứng cứ khác.
Theo luật quy định: lời nhận tội của bị cáo chỉ có thể coi là chứng cứ nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án, không được dùng lời nhận tội của bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội.
Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra có một số vi phạm trong việc khám nghiệm hiện trường, thu giữ các dấu vết, vật chứng cũng như việc giao nhận, bảo quản các vật chứng.
Cơ quan điều tra cũng chưa điều tra đầy đủ các yêu cầu theo quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, dù tòa án đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ.
Tại tòa, đại diện viện kiểm sát vẫn giữ nguyên cáo trạng truy tố bị cáo hai tội hiếp dâm trẻ em và giết người nhưng không lý giải được một cách khách quan, đầy đủ, toàn diện và thống nhất các mâu thuẫn như đã đề cập. Do đó, chưa đủ chứng cứ vững chắc để kết tội Lê Bá Mai.
Tòa ghi nhận quan điểm của các luật sư bào chữa cho bị cáo đưa ra các mâu thuẫn và xác định bị cáo không phạm tội là có căn cứ, được HĐXX chấp nhận. Vì vậy, cần tuyên bị cáo không phạm tội và tuyên trả tự do bị cáo tại phiên tòa, khôi phục danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp cho Lê Bá Mai.
MINH LUẬN - BÙI LIÊM 

Dìn Ký Cầu Ngang nhận trách nhiệm

 Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ, ông Châu Hoàn Tâm - chủ doanh nghiệp Dìn Ký Cầu Ngang(ảnh) - đã chính thức xác nhận trách nhiệm về vụ chìm du thuyền Dìn Ký. Trong ngày 23-5, thi thể nạn nhân cuối cùng là cháu Phạm Xuân Khánh (9 tuổi) đã được tìm thấy. Riêng việc trục vớt du thuyền Dìn Ký có thể sáng nay mới hoàn thành.
Ông Châu Hoàn Tâm - Ảnh: Viễn Sự
Chiều 23-5, sau ba ngày xảy ra tai nạn chìm nhà hàng du thuyền Dìn Ký làm 16 người thiệt mạng, ông Châu Hoàn Tâm - chủ doanh nghiệp Dìn Ký Cầu Ngang - đã chính thức lên tiếng xin lỗi gia đình các nạn nhân. Ông Tâm nói:
- Chúng tôi sẽ hỗ trợ và phối hợp tối đa với cơ quan chức năng để tìm ra nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn. Căn cứ vào kết quả điều tra, cơ quan chức năng có hướng xử lý như thế nào chúng tôi sẽ chấp hành theo quy định của pháp luật.
Còn về quan hệ dân sự, thật lòng chúng tôi rất đau với nỗi đau của bà con gặp nạn, chúng tôi làm hết sức mình để bù đắp cho họ. Ngoài 10 triệu đồng hỗ trợ mỗi nạn nhân, Dìn Ký đã chi 500 triệu đồng lo mai táng chín nạn nhân ở Hà Tĩnh và Quảng Bình, 180 triệu đồng cho ba nạn nhân ở Bình Dương và 32.000 USD để đưa thi hài bốn nạn nhân người Trung Quốc về nước.
Con tàu này được mua bảo hiểm với mức 30 triệu đồng/người của Petrolimex, tổng số hành khách được mua bảo hiểm là 72 người. Các khoản bồi hoàn khác, chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ sau khi làm việc với gia đình và cơ quan chức năng. Chúng tôi biết sinh mạng con người dù có chi ra bao nhiêu cũng khó bù đắp nổi, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình và rất mong thân nhân người gặp nạn thứ lỗi.
* Con tàu này đã hết hạn đăng kiểm ba tháng, vì sao Dìn Ký Cầu Ngang không đăng kiểm lại?
- Con tàu làm nhà hàng nổi này chúng tôi đóng mới hoàn toàn ngay tại khu du lịch Dìn Ký Cầu Ngang và đưa vào sử dụng hồi tháng 2-2008, máy móc thiết bị còn rất tốt, áo phao đầy đủ, hằng năm đều đăng kiểm đàng hoàng. Tôi đã có quyết định giao việc và ủy quyền toàn bộ cho anh tổng quản lý nhà hàng, nhưng anh này quên không đi đăng kiểm khi đến hạn.
* Có nhiều ý kiến cho rằng khi gió to lại đóng bít cửa, điều này góp phần làm tàu lật rất nhanh?
- Việc đóng cửa khi trời mưa to để không ảnh hưởng đến tiệc của khách là việc bất cứ nhà hàng nào cũng sẽ làm. Chúng tôi không hề nhận được khuyến cáo hay quy định nào buộc phải mở cửa ra khi có mưa to gió lớn của cơ quan đăng kiểm. Nếu có khuyến cáo hay quy định này thì chắc chắn chúng tôi đã tuân theo. Các nhân viên trên tàu chỉ mong muốn đóng cửa để mưa khỏi tạt làm ướt khách, họ chỉ muốn tốt cho khách chứ không biết rằng làm như vậy sẽ gặp nguy hiểm.
“Bình Dương xem đây là một bài học đau xót trong công tác quản lý. Tỉnh sẽ tập trung xử lý vụ tai nạn, đồng thời xem xét quy định trong phân công trách nhiệm của từng ngành liên quan để tránh trường hợp khi có chuyện thì đùn đẩy trách nhiệm”.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam
* Vậy việc giao tàu cho anh Lê Văn Đức, một người không có bằng lái thì sao, thưa ông?
- Việc này thì sai 100% rồi, nếu có tôi ở đó hoặc tổng quản lý ở đó thì chắc chắn không có chuyện này. Người giao tàu cho anh Đức lái là Lê Văn Quang, quản lý tàu, hiện công an tạm giữ anh Quang. Thông thường, chúng tôi có hai tài công có bằng lái, thay phiên nhau làm theo ca.
Nhưng trước đó một tài công bị tai nạn phải nghỉ, đến chiều 20-5 tài công còn lại vừa hết ca. Lẽ ra anh Quang phải cho tàu ngưng hoạt động nhưng lại giao cho anh Đức lái. Là chủ doanh nghiệp nhưng tôi cũng chưa gặp mặt anh Đức này lần nào. Sau khi sự việc xảy ra, tôi nghe nói anh Đức không có bằng lái tàu và rất thích lái nên đã xung phong lái. Nếu được báo cáo, tôi sẽ ngăn cấm việc này rồi. Thực tế khi trời nổi dông, anh Đức đã cố gắng điều khiển tàu về rất gần đến bến đậu, chỉ cần trời nổi dông chậm vài phút thì sự cố không xảy ra.
* Nhiều người bức xúc vì sao các nhân viên của Dìn Ký thoát nạn hoàn toàn, không cứu hành khách khi bị nạn?
- Trên tàu lúc đó có sáu nhân viên phục vụ làm việc ở hai tầng khác nhau. Ở tầng dưới tổ chức sinh nhật có kê hai dãy bàn dài, khi tàu nghiêng sang bên trái thì bàn ghế, vật dụng đổ dồn về phía này, làm mất thăng bằng và đè lên những người ngồi bên trái, làm họ không thoát ra được. Những người ngồi phía đối diện thoát được ra ngoài đã được tàu cứu hộ chúng tôi kịp vớt lên. Vả lại tàu chìm rất nhanh, trời lại tối đen nên họ chỉ kịp thoát thân ra khỏi tàu chứ không kịp cứu người. Anh Đức lái tàu thoát ra và cứu được một nhân viên nữ duy nhất của chúng tôi khi cô này đang đứng gần buồng lái.
* Thưa ông, nếu ông quản lý sâu sát hơn thì chắc chắn đã không xảy ra việc chậm đăng kiểm tàu và giao tàu cho một người không có bằng lái vận hành?
- Đây là việc ngoài ý muốn, chúng tôi đã có quyết định phân cấp quản lý bằng văn bản rất rõ ràng cho tổng quản lý và các quản lý bộ phận. Những sai sót trên là do các cá nhân được giao quyền chưa làm hết trách nhiệm. Chúng tôi không né tránh, sẽ phối hợp tối đa với cơ quan điều tra để làm rõ trách nhiệm.
MINH LUẬN - VIỄN SỰ thực hiện
Đình chỉ hoạt động bến du thuyền khu du lịch Dìn Ký Cầu Ngang
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Nam, phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, nói: “Sau vụ tai nạn này, tỉnh Bình Dương xem đây là một bài học đau xót trong công tác quản lý. Tỉnh sẽ tập trung xử lý vụ tai nạn, đồng thời xem xét quy định trong phân công trách nhiệm của từng ngành liên quan để tránh trường hợp khi có chuyện thì đùn đẩy trách nhiệm”.
Cũng theo ông Nam, UBND tỉnh Bình Dương đã ra quyết định đình chỉ hoạt động bến du thuyền khu du lịch Dìn Ký Cầu Ngang (xã Bình Nhâm, thị xã Thuận An, Bình Dương), đồng thời buộc ngừng mọi hoạt động phục vụ du khách tại nhà hàng - khách sạn Dìn Ký trên bờ sông Sài Gòn cũng như khu vực nhà hàng nổi đang lấn ra bờ sông.
Một lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương cho biết trong ngày các bộ phận nghiệp vụ của Bộ Công an cũng đã vào cuộc, phối hợp cùng Công an Bình Dương điều tra vụ án.
Đại tang ở núi Đòn Gánh
Em Trần Đình Quang trong nỗi đau mất cả bố, mẹ và em gái - Ảnh: V.Định
Đêm 22-5, đoàn xe tang chở bảy trong số chín người của gia đình ông Trần Trọng Chỉnh bị nạn trong vụ chìm nhà hàng du thuyền Dìn Ký về Hà Tĩnh (con gái ông Chỉnh là Trần Thị Thùy Trang và cháu Trương Trần Đức Anh được đưa về chôn ở Quảng Bình - quê chồng chị Trang). Nghĩa trang nằm bên ngọn núi Đòn Gánh (xã Kỳ Giang, Kỳ Anh) khói hương nghi ngút, người người vật vã ôm nhau khóc thảm.
Đúng 22g, bốn chiếc ôtô màu trắng chở bảy quan tài xuất hiện. Hàng chục người quấn khăn trắng trên đầu vật vã ôm lấy quan tài. Có người đã lịm ngất trong đêm.
Nghĩa trang núi Đòn Gánh có một đêm buồn thấu trời. Những ngọn nến leo lét đỏ giữa màn đêm rộng lớn, những bó hương thắp lên rồi lại tàn. Và những tiếng chồng khóc vợ, con khóc mẹ, cháu khóc bà... não lòng vang cả núi đồi. 23g30, bảy chiếc quan tài lần lượt được đặt vào lòng đất. Có người đứng lặng im, có người gục ngã xuống...
Trong vụ chìm nhà hàng du thuyền Dìn Ký không ai mất mát lớn như ông Trần Trọng Chỉnh (ở xóm Tân Phan, xã Kỳ Giang). Khi nhận tin báo, ông Chỉnh đâu ngờ mình có đến chín người thân chết trên con tàu định mệnh.
Sáng 23-5, sau khi an táng những người đã khuất, ông nằm bất động trên giường, hai khóe mắt thâm quầng vì khóc thương vợ, thương con, thương cháu. Một số người hàng xóm cho biết ông Chỉnh năm nay ngoài 70 tuổi, không còn nước mắt để khóc cho vợ Đào Thị Luận, con trai Trần Đình Đồng, con dâu Nguyễn Thị Thưởng, hai con gái Trần Thị Tương và Trần Thị Thùy Trang cùng bốn đứa cháu nhỏ Trần Thị Phương Linh, Quách Thị Lan Anh, Quách Hồng Đạt, Trương Trần Đức Anh. “Từ khi con trai điện về báo tin mẹ, em, cháu chết hết thì ông Chỉnh đổ sụp xuống, không còn gì để mất nữa” - một người hàng xóm nói.
Cũng đau đớn như ông Chỉnh, em Trần Đình Quang (13 tuổi) khóc nức nở trước cái chết của bố Trần Đình Đồng, mẹ Nguyễn Thị Thưởng và em gái Trần Thị Phương Linh. Mới sáng 20-5 em còn nghe bố, mẹ điện thoại bảo tuần sau sẽ về, tối bỗng nghe tin dữ. “Con sống với ai đây?” - em Quang khóc gào rồi ngất trên tay người thân.
VĂN ĐỊNH
Chật vật trục vớt tàu  Dìn Ký
Rạng sáng 23-5, thi thể nạn nhân cuối cùng của vụ tai nạn là cháu Phạm Xuân Khánh (9 tuổi) đã được tìm thấy. Chị Phạm Thị Hiền, mẹ cháu Khánh, gục xuống sàn nhà hàng nổi Dìn Ký khi hay tin này.
Thi thể cháu Khánh kẹt trong buồng máy
Sáng 23-5, anh Nguyễn Văn Lê, người trực tiếp tìm thấy thi thể cháu Khánh, kể: “Tối hôm qua tôi thức trắng đêm để trục vớt tàu, nhưng trong thâm tâm luôn chủ ý tìm kiếm thi thể cháu Khánh”. Anh Lê kể tiếp: “Đêm khuya, như có ai thôi thúc, tự nhiên một mình tôi nhảy xuống sông, lặn sâu xuống đáy tàu tìm kiếm cháu. Đến hơn 4g sáng tôi lặn vào khoang máy. Lúc này nước xâm xấp tầng 1 của tàu, tôi phát hiện cháu Khánh nằm kẹt trong đó nên đã gọi mọi người xuống hỗ trợ đưa thi thể cháu lên”. Đến 5g sáng cùng ngày, thi thể cháu Khánh đã được đưa về bến của khu du lịch Dìn Ký. Ngay sau đó, thi thể cháu Khánh được đưa về nhà xác Bệnh viện Đa khoa thị xã Thuận An để tẩn liệm.
Bên thi thể con, chị Hiền khóc than thảm thiết. Chị cố vung tay như đòi con lại: “Con ơi về với mẹ đi, mẹ đưa con đi học...”. Bé Thảo, em gái Khánh, cũng khóc ray rứt, chốc chốc choàng tay vào quan tài người anh xấu số.
Đáy tàu thủng lớn
Cùng ngày, đội cứu hộ cứu nạn tiếp tục trục vớt tàu. Do nước thủy triều lên nên chiếc tàu bị ngập hơn 0,5m so với hôm trước, phần đáy tàu bị hư hỏng khá nặng. Lúc này, đội cứu hộ đã quyết định kéo tàu vào một eo sông cách đó khoảng 100m. Khoảng 10 thợ lặn đã cật lực để gắn phao kích tàu lên khỏi mặt nước.
Đến 9g sáng, thủy triều lên nhanh, làm ba gốc cây neo tàu đều bị nghiêng ngả, đội trục vớt phải tăng cường thêm bốn sợi dây thừng loại lớn buộc vào bốn gốc cây khác. Anh Nguyễn Văn Sỹ, nhân viên cứu hộ, cho biết: “Nước triều đang lên mạnh nên không thể tiếp cận với khoang tàu bị chìm. Công đoạn hiện nay là sẽ di chuyển con tàu qua vị trí khác rồi mới tính chuyện đưa tàu lên bờ”.
Theo ban chỉ đạo trục vớt tàu Dìn Ký, đội trục vớt tàu đã sử dụng bốn chiếc phao loại 2 tấn, một phao 5 tấn và một chiếc tàu kéo loại 10 tấn để kéo kích hoạt chiếc tàu khỏi mặt nước. Trong điều kiện thuận lợi, dự kiến hôm nay (24-5) mới có thể đưa được tàu lên bờ. Nhân viên cứu hộ Nguyễn Văn Tấn cho biết: “Quá trình lặn khảo sát, chúng tôi đã phát hiện một lỗ thủng lớn dưới đáy tàu có bề ngang hơn 10cm và chiều dài cả 7-8m. Đây chính là nguyên nhân khiến khoang máy của tàu vẫn đang bị chìm”.
Công tác quản lý quá buông lỏng
Ông Lê Quang Thuần - phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao & du lịch tỉnh Bình Dương - cho biết: “Có rất nhiều ngành quản lý khu du lịch Dìn Ký Cầu Ngang. Sở không cấp phép mà chỉ quản lý về mặt lưu trú, kinh doanh ăn uống”. Ông Thuần giải thích: Luật du lịch chỉ quy định khách sạn nổi cố định hoặc không cố định chứ không có khái niệm nhà hàng nổi. Vì vậy, sở không thể kiểm tra khi nhà hàng nổi đưa khách đi trên sông giống như trường hợp nhà hàng du thuyền Dìn Ký bị chìm. “Khi nhà hàng nổi làm du thuyền đưa khách trên sông thì việc kiểm tra cấp phép liên quan đến các ngành khác như thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông thủy, cục đường sông, đăng kiểm” - ông Thuần nói.
ANH THOA - HÀ MI
Kiểm tra tàu thủy chở khách ở TP.HCM và Bình Dương
Theo ông Nguyễn Văn Thuấn - vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ Giao thông vận tải), sáng nay (24-5) đoàn kiểm tra của Bộ Giao thông vận tải bắt đầu kiểm tra tình hình chấp hành các quy định về an toàn tàu thủy chở khách tại TP.HCM và Bình Dương.
Ông Đỗ Trung Học - trưởng phòng đường sông Cục Đăng kiểm VN - cho biết qua kiểm tra sẽ đưa ra những quy chuẩn bắt buộc tàu thủy chở khách phải thực hiện. Hiện nay tàu thủy chở khách và chở hàng có quy trình kiểm định tương đương nhau nhưng đối với tàu chở khách cần phải được kiểm soát chặt, có chế tài hành chính nhằm tránh những tai nạn thương tâm.
Trong khi đó, theo ông Trần Thế Kỷ - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, sở cũng tổ chức rà soát kiểm tra các hoạt động tàu khách nhà hàng, tàu khách du lịch và tàu cánh ngầm. Hiện nay ở TP.HCM có bảy tàu nhà hàng hoạt động trên sông Sài Gòn và hàng trăm tàu chở khách du lịch trên sông.
T.Phùng - N.Ẩn

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Affiliate Network Reviews