Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

Bé gái vụ tiệm vàng có thể tổn thương tâm lý suốt đời



Ảnh: Do bệnh viện cung cấp.
Bé Bích đang dần bình phục về thể chất tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: Do bệnh viện cung cấp.

Mấy hôm nay, ban ngày thì Bích rất ngoan, nhưng cứ đêm là em khóc hàng tiếng. Theo nhà tâm lý, có lẽ Bích bị sốc nặng khi chứng kiến người thân bị hại, và sau này có thể em sẽ khủng hoảng tâm lý nặng nề, thậm chí không thể thôi ám ảnh về quá khứ.
Bé gái bị chém đứt tay trong vụ án tiệm vàng đã bình phục / 12 giờ sinh tử với em bé ở tiệm vàng

Vụ thảm sát kinh hoàng tại tiệm vàng Ngọc Bích (Lục Nam, Bắc Giang) đã xảy ra hơn hai tuần nhưng dư luận vẫn sục sôi niềm căm phẫn đối với hung thủ, đồng thời vô cùng thương cảm nạn nhân còn sống sót duy nhất trong vụ án - bé Trịnh Thị Bích. Trải qua ca phẫu thuật nối bàn tay bị đứt và sau nửa tháng điều trị tại Bệnh viện Việt Đức, Bích đã đi lại, nói chuyện và cử động tay bình thường. Cháu được các bác sĩ thăm khám thường xuyên và bắt đầu tập phục hồi chức năng.
Thạc sĩ Bùi Mai Anh, khoa Phẫu thuật Tạo hình - Hàm mặt, Bệnh viện Việt Đức - người tham gia phẫu thuật và chăm sóc Bích sau mổ, cho biết lúc mới vào viện, em vẫn tỉnh, chỉ hơi hoảng loạn, nhợt nhạt. "Thường các bệnh nhân ở tình trạng như Bích hay kêu, khóc nhưng cháu lại tỏ ra thờ ơ, vô thức và không hề khóc lóc, có lẽ do quá sợ hãi", chị kể.
Bác sĩ cho biết, trong quá trình điều trị, Bích tỏ ra rất giỏi chịu đựng, dù thay băng đau nhưng em không khóc. Thỉnh thoảng, Bích cũng chuyện trò và có lúc còn trêu đùa các y tá, điều dưỡng.
Hiện tại, Bích được các bác bên nội, ngoại chăm sóc. Mỗi khi thấy cháu hỏi về bố mẹ, người nhà cố cầm lòng nói rằng cả hai đã ra nước ngoài chữa bệnh, không ai dám nói hay gợi gì với Bích về những chuyện đã xảy ra. Ban ngày Bích tỏ ra rất ngoan nhưng cứ đến 12h đêm là em lại khóc tới 1-2 tiếng sau mới thôi. Người thân hỏi, em chỉ nói "chắc cháu nằm mơ".
Một chuyên gia về tâm thần chuyên biệt, Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sau thảm cảnh, Bích có thể gặp một số vấn đề tâm lý do sang chấn: stress cấp như hoảng loạn, kích động, loạn thần; hay rối loạn thích ứng: bé không thể thích ứng với cuộc sống hiện tại, luôn lo âu, sợ hãi, bi quan, không muốn tiếp tục tới trường...
Tuy nhiên, hai vấn đề trên chưa đáng lo bằng việc em có thể mắc các rối loạn stress sau sang chấn: Có thể sau một năm hay 10-20 năm nữa, Bích vẫn có những cơn hồi ức về thảm cảnh gia đình gặp phải. Điều này cũng hay thấy ở những người từng vượt biên hay các binh lính trở về sau chiến tranh khốc liệt...
Bác sĩ này cho rằng, vấn đề can thiệp tâm lý với Bích cần thực hiện càng sớm càng tốt và phải có sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý, tâm thần nhi. Về việc có nên sớm cho Bích biết sự thật bố mẹ và em đã mất, chuyên gia cho rằng, điều này còn phụ thuộc vào tình trạng hiện tại cũng như khả năng đương đầu với thực tế của em. "Sẽ không thể nói làm gì là tốt nhất cho Bích khi chưa gặp gỡ, thăm khám, làm test tâm lý cho em", ông nói.
Về vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Quý, tư vấn đường dây bảo vệ trẻ em 18001567 (Cục chăm sóc bảo vệ bà mẹ trẻ em), cho rằng, ngay bây giờ bé Bích không những cần được chăm sóc về sức khỏe thể chất mà cần được giúp đỡ để vượt qua cú sốc tinh thần.
Theo bà, khi đang được điều trị về thể chất, em có thể đau vết thương trên cơ thể hơn, nhưng sau này bình phục, trở về với thực tế, em mới thấm thía sự trống trải, mất mát và nỗi đau tinh thần. 8 tuổi, trẻ đã bắt đầu cảm nhận được cái chết, sự chia lìa. Theo bà, sau khi em hồi phục về thể chất, không nên đưa về nhà mà cần tới một nơi hoàn toàn mới, ở lâu dài, nếu không em sẽ luôn bị ám ảnh về những sự việc đã xảy ra.
"Em sẽ phải trải qua hành trình đau khổ: từ phủ nhận sự thật rồi đổ lỗi (cho người khác và cho chính mình), tiếp đó là rơi vào trạng thái tự oán trách bản thân rồi mới dần dần chấp nhận được sự thật. Và khi đó, em sẽ cảm nhận sâu sắc mất mát không thể bù đắp của mình", nhà tâm lý chia sẻ.
Bà cho rằng, việc mất toàn bộ người thân, đồng thời là nạn nhân và người chứng kiến quá trình đó sẽ khiến Bích bị khủng hoảng tâm lý trầm trọng, không dễ khắc phục.
Bên cạnh đó, em sẽ có dấu ấn kinh hoàng với thủ phạm và cần được giải tỏa những ẩn ức này. Các nhà chuyên môn cần giúp em bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc, mong muốn với kẻ đã hại gia đình mình, hướng dẫn em cách thư giãn, luyện thở, để tĩnh tâm bằng nhiều phương pháp khác nhau. Người trị liệu cũng sẽ phải giúp em đối mặt và chấp nhận sự thật, sau đó làm sao không suy sụp tinh thần, bằng cách hướng em tới những suy nghĩ tích cực, rằng bố mẹ và người em vẫn luôn dõi theo Bích và mong những điều tốt đẹp nhất cho con, nên con cần sống tốt để họ yên lòng.
Sau khi những thông tin về em Bích trên Vnexpress.net, rất nhiều độc giả đã bày tỏ sự quan tâm, thương cảm và động viên cô bé cố gắng vượt qua cú sốc quá lớn. Trong số đó, không ít bạn đọc thể hiện mong muốn nhận nuôi dưỡng, chăm sóc em.
"Tôi sẽ đăng ký nhận nuôi bé nếu gia đình em chấp nhận. Hiện nay tôi sống ở TP HCM, công việc ổn định, với hai bé trai 4 tuổi và 6 tuổi... Tôi có nhiều kinh nghiệm về tâm lý trẻ", độc giả Đinh Tiến Đoàn viết. Một bạn đọc khác, tên Lê Anh Tú cũng cho biết, anh sẵn sàng nuôi cháu cháu Bích và gửi lời chia sẻ tới cháu: "Mong con mau bình phục. Con ơi, con đã mất cha mẹ ruột, nhưng con không cô đơn, con không cần phải sợ, có rất nhiều cha mẹ khác luôn bên con"...
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, trong hoàn cảnh của cháu Bích, sự động viên, khích lệ của cộng đồng là một nguồn sức mạnh giúp em sớm vượt qua sang chấn về tâm lý. Tuy nhiên, đối với cháu hiện nay, sự chăm sóc, yêu thương của những người ruột thịt và sự hỗ trợ của những người có chuyên môn về tâm lý nhi có lẽ là liều thuốc tốt hơn cả.
Minh Thùy

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Affiliate Network Reviews