Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

'Xăng lẽ ra giảm gần 830 đồng'

Theo vnexpress.net

Theo Cục trưởng Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa, chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán hiện là 828 đồng nên giá xăng lẽ ra có thể giảm nhiều hơn. Tuy nhiên, để tạo nguồn bình ổn giá, Bộ Tài chính đã quyết định khôi phục thuế.


- Sau lần tăng giá ngày 20/4, giá xăng dầu thế giới đã giảm mạnh, vậy tại sao mức điều chỉnh giảm của giá xăng trong nước lần này lại chỉ có 500 đồng?
Ông Nguyễn Tiến Thỏa cho biết giá xăng hạ có thể làm giảm CPI khoảng 0,24%. Ảnh: Nhật Minh
Ông Nguyễn Tiến Thỏa cho biết giá xăng hạ có thể làm giảm CPI khoảng 0,24%. Ảnh: Nhật Minh
- Trước hết cần nhắc lại rằng điều hành giá xăng dầu hay bất cứ mặt hàng nào đều phải tuân theo pháp luật, ở đây là Nghị định 84. Cơ sở để so sánh tại nghị định này là giá bình quân 30 ngày, so với 30 ngày trước đó. Nếu tính toán như vậy thì giai đoạn 9/4 - 8/5, giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm giảm 2,78 - 4.69%. Cụ thể thì xăng giảm khoảng 828 đồng một lít.
Cũng theo nguyên tác điều chỉnh thì thứ tự ưu tiên khi giá giảm là khôi phục thuế, quỹ bình ổn rồi mới giảm giá. Tuy nhiên, trong lần này, để hài hòa lợi ích các bên, cơ quan quản lý đã tiến hành giảm giá và khôi phục thuế một phần. Thuế nhập khẩu xăng dầu theo luật là 15 - 20% (riêng xăng là 20%) nhưng lần này mới khôi phục được 2 - 3%.
Tất nhiên, chúng tôi rất muốn giảm hết vào giá mức 828 đồng nêu trên nhưng vì thuế nhập khẩu đã để ở 0% quá lâu. Thêm nữa dự báo nhu cầu dầu mỏ cuối năm sẽ tăng, ảnh hưởng đến giá nên nếu không khôi phục thuế, khi đó chúng ta sẽ không có nguồn tài chính để bình ổn.
- Giá cơ sở thấp hơn giá bán 828 đồng, nhiều ý kiến cho rằng các doanh nghiệp đã có lãi "khủng" trong thời gian qua. Vậy thực hư việc này ra sao?
- Thực ra trong công thức tính giá cơ sở đã có dành cho doanh nghiệp một phần lợi nhuận định mức 300 đồng mỗi lít rồi. Ngoài ra chi phí kinh doanh cũng được tính là 600 đồng. Nếu doanh nghiệp nào tổ chức mạng lưới tốt, tiết kiệm thì chi phí có thể thấp hơn 600 đồng nêu trên để hưởng lãi. Mục đích đặt ra các khoản này là để khuyến khích doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Ngoài những khoản nói trên thì việc chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán, như tính ở trên là 828 đồng một lít, có thể trở thành lợi nhuận của doanh nghiệp trong giai đoạn Nhà nước chưa điều tiết.
Tuy nhiên, tất cả những cái đó chỉ là lý thuyết. Thực tế thì không phải là giá thế giới giảm, doanh nghiệp được hưởng lợi ngay. Với kinh doanh xăng dầu thì kể cả mua được ở thời điểm giảm, cũng mất 10 - 15 ngày người ta mới nhập về đến nơi. Do vậy, lỗ lãi thật của doanh nghiệp không thể căn cứ trên việc giá giảm giá tăng, mà phải tính toán dựa trên kết quả kinh doanh cụ thể, nhập ngày nào, xuất ngày nào. Ngoài ra thì chi phí kinh doanh theo Nghị định 84 là 600 đồng hiện đã tương đối lạc hậu, cần phải sửa đổi.
- Cùng với chi phí kinh doanh thì nhiều ý kiến cho rằng thời gian so sánh giá lên tới 30 ngày là quá dài, cần phải sửa đổi, gây thiệt thòi cho cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp. Quan điểm của Bộ Tài chính về vấn đề này như thế nào?
Đại diện Cục Quản lý giá cho rằng nhiều quy định của Nghị định 84 đã lỗi thời. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Đại diện Cục Quản lý giá cho rằng nhiều quy định của Nghị định 84 đã lỗi thời. Ảnh: Hoàng Hà
- Cả 2 nội dung trên đều là những điểm mà chúng tôi đang nghiên cứu để điều chỉnh khi sửa đổi Nghị định 84. Chính phủ đang giao cho Bộ Công Thương và Tài chính làm việc này. Sắp tới chúng tôi sẽ tiến hành lấy ý kiến doanh nghiệp, thành lập tổ soạn thảo theo đúng quy trình. Ngoài những nội dung trên, cũng cần lưu ý một số điểm khác như sửa đổi việc đại lý chỉ được lấy nguồn từ một đầu mối, đặt quỹ bình ổn giá ở đâu… Trước đây, cho đặt quỹ ở doanh nghiệp để chủ động, tránh xin cho. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng như vậy “không biết đâu mà lần” nên chắc sẽ có sửa đổi.
Về thời gian tính giá, tôi cũng thừa nhận là 30 ngày hơi dài. Nhưng việc sửa đổi, xuống 10 hay 20 ngày còn cần phải bàn. Vừa rồi điều chỉnh giá, chúng tôi cũng thử tính theo 20 ngày thì thấy mức chênh lệch giữa giá cơ sở với giá bán tăng lên 1.100 đồng đối với xăng. Nhiều ý kiến trong Thường trực Chính phủ cho rằng nếu giảm được mức 1.100 đồng này vào giá thì rất tốt.
- Vậy việc giảm giá xăng dầu lần này sẽ tác động như thế nào vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thưa ông?
- Xăng dầu chiếm tỷ trọng 3,32% trong rổ hàng hóa tính CPI. Như vậy với mức giảm 500 đồng (hơn 2,1%) thì tác động trực tiếp lên chỉ số giá khoảng 0,07%. Ở vòng gián tiếp, tác động lên các mặt hàng sử dụng xăng dầu nữa thì sẽ có tác dụng làm giảm chỉ số khoảng 0,17% nữa (vòng một nhân với 2,5 lần). Như vậy, nếu giả định các yếu tố khác không đổi thì việc điều chỉnh giá sẽ làm giảm CPI khoảng hơn 0,24%.
- Sau giá xăng, việc điều hành các mặt hàng cơ bản khác, đặc biệt là điện, liệu sẽ như thế nào thưa ông?
- Với điện thì thực hiện tính thần các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ thì sẽ tiếp tục kiên định theo giá thị trường. Tuy nhiên lộ trình sẽ được tính toán phù hợp với các mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Tính đến đầu tháng 5 thì các yếu tố đầu vào của ngành điện cũng có nhiều biến động. Tỷ giá tăng khoảng 0,6%, giá nhiên liệu tăng nhiều, giảm ít (khí tăng 10,4%, dầu FO tăng hơn 40%, than giảm 0,3%), sản lượng thủy điện, nhiệt điện chay dầu giảm…
Những yếu tố này làm giá thành sản xuất điện tăng khoảng 3,29%, tương đương 42,85 đồng một kWh. Ngoài ra cũng phải tính đến việc phân bổ dần các khoản “treo” từ trước như lỗ do chênh lệch tỷ giá (15.463 tỷ đồng), chênh lệch do mua điện giá cao (8.040 tỷ đồng) nên giá điện sắp tới sẽ phải xử lý. Tuy nhiên, xử lý ở mức độ nào thì đơn vị kinh doanh phải lập phương án. Nếu mức điều chỉnh hợp lý và dưới 5% thì doanh nghiệp có thể tự quyết. Nếu cao hơn, Bộ Công Thương và Tài chính sẽ phải cho ý kiến. Ngoài ra, các mặt hàng như than, nước… cũng sẽ được điều hành giá theo lộ trình.
Nhật Minh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Affiliate Network Reviews