Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

Ngân hàng quảng cáo lãi suất rong


Giữa trưa nắng chói chang, một đoàn 5 thiếu nữ mặc đồng phục đạp xe vòng đi vòng lại quanh khu tập thể Giảng Võ (Hà Nội), mang theo cờ phướn quảng cáo chương trình gửi tiền lãi suất không kỳ hạn cao gấp 10 lần bình thường.

Đoàn PG quảng cáo về chương trình gửi tiền mới của Standard Chartered ở khu tập thể Giảng Võ (Hà Nội) trưa 21/5. Ảnh: T.T.
PG quảng cáo về chương trình gửi tiền mới của Standard Chartered ở khu tập thể Giảng Võ (Hà Nội) trưa 21/5. Ảnh: T.T.
Những người dân nơi đây đã quá quen với hình ảnh tiếp thị bia, hóa mỹ phẩm hay nhiều kiểu marketing đường phố khác. Nhưng họ chưa bao giờ thấy một ngân hàng đi quảng cáo rong trên phố như vậy.
Đội PG (các cô gái tiếp thị) trẻ trung này đang quảng bá cho chương trình huy động mới của ngân hàng 100% vốn nước ngoài Standard Chartered, trong đó người gửi tiền được hưởng lãi suất không kỳ hạn cao gấp hơn 10 lần thông thường, với một số điều kiện nhất định. Ở loại hình tiết kiệm thông thường, lãi suất không kỳ hạn cao nhất mà ngân hàng này trả cho khách chỉ là 1% một năm.
Việc một ngân hàng nước ngoài như Standard Chartered phải cử PG xuống phố quảng bá cho chương trình huy động vốn, đồng thời đẩy lãi suất không kỳ hạn lên cao chót vót trong bối cảnh trần lãi suất vẫn bị khống chế ở mức 14% một năm, một lần nữa cho thấy hệ thống ngân hàng đang thiếu vốn tiền đồng như thế nào.
Chị Thanh Lan, nhà ở quận Bình Tân TP HCM cho biết, cách đây một tuần, nhân viên của một ngân hàng thương mại cổ phần có trụ sở tại thành phố cầm xấp tờ rơi đến nhà chào mời chị gửi tiền với lãi suất cao. Nội dung tờ rơi là hình một tấm lịch in 30 ngày của tháng 5. Trong đó, nhà băng khoanh tròn số 18, sau đó là chữ phần trăm to đùng ở góc trên của khuôn lịch.
Theo chị Lan, nếu nhìn vào tờ rơi này, ít ai có thể hiểu được mức lãi suất huy động mà nhà băng đưa ra là bao nhiêu. Tuy nhiên ý tưởng thiết kế tờ rơi khá độc đáo. Cô nhân viên ngân hàng giải thích, nếu gửi tiền vào nhà băng từ tháng 5 này, chị sẽ được hưởng mức lãi suất lên tới 18% một năm.
Không chỉ khách hàng cá nhân mới được ngân hàng tiếp cận tận nơi, một số doanh nghiệp cũng được nhân viên nhà băng "chăm sóc" bằng cách gọi điện tận nơi chào mời gửi tiền với mức lãi suất cao ngất.
Ông Nguyễn Công Tuấn, Giám đốc tài chính Công ty cổ phần thực phẩm Hanco (Hanco Food) trong buổi gặp gỡ báo chí mới đây chia sẻ, thời gian gần đây, ông luôn nhận được những cuộc điện thoại của nhân viên ngân hàng mời gọi gửi tiền. "Nhân viên một ngân hàng gọi điện đến đề cập việc gửi tiền tiết kiệm, lãi suất 14% một năm. Tôi thử đặt vấn đề có mấy tỷ đồng tiền nhàn rỗi, nếu lãi suất 18% thì gửi. Ngay lập tức cô ta chấp nhận ngay", ông Tuấn kể.
Các ngân hàng trong nước đều đang chạy đua đẩy lãi suất không kỳ hạn lên cao, nhằm giữ chân khách hàng. Ảnh: T.T.
Các ngân hàng trong nước đều đang chạy đua đẩy lãi suất không kỳ hạn lên cao, nhằm giữ chân khách hàng. Ảnh: T.T.
Trao đổi với VnExpress.net, nhân viên của một nhà băng có trụ sở tại quận 10 (TP HCM) cho biết đang phải kiêm thêm nhiều việc như đi rải tờ rơi quảng cáo về các sản phẩm của ngân hàng ở các công ty, văn phòng, thậm chí là từng nhà dân… đến việc gọi điện đến từng khách hàng để mời gọi gửi tiền...
Không riêng gì TP HCM, ngay cả Hà Nội cũng diễn ra tình trạng tương tự. Anh Tiến, nhân viên ngân hàng thương mại cổ phần cỡ vừa của phòng giao dịch tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) thừa nhận, thời gian này không ngày nào ngồi yên vì phải huy động tiền gửi. "Chúng tôi phải gọi điện thoại khắp nơi "kêu gọi" gửi tiền. Thậm chí là tận dụng tối đa các mối quan hệ, quen biết, kể cả người thân trong gia đình.
"Từ một tháng nay, lúc nào cũng căng tai căng mắt xem có người thân, người quen nào muốn gửi tiền vào ngân hàng hay không. Nếu có, bằng mọi cách thuyết phục họ mang gửi ngân hàng mình", anh này cho hay.
Có một thực tế được thừa nhận từ chính các ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước là dù lãi suất đã tăng nhưng tăng trưởng huy động vốn đã giảm dần. Trong báo cáo mới đây của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, 4 tháng đầu năm, vốn huy động của toàn hệ thống ngân hàng chỉ tăng 0,46% trong khi lượng vốn cho vay tăng 5,01% so với cuối năm trước.
Ở một số ngân hàng, tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng luôn cao hơn nhiều so với huy động. Không chỉ vậy, khi kinh tế còn biến động, người gửi tiền thường có tâm lý gửi tiền ngắn hạn để dễ ứng phó với biến động thị trường. Hơn nữa, khi các ngân hàng tạo ra xu thế tăng lãi suất, người gửi tiền cũng có tâm lý gửi ngắn hạn để có thể quay vòng nhanh khi lãi suất tăng cao hơn trong các giai đoạn tiếp theo.
Trao đổi với VnExpress.net, Tổng giám đốc của một ngân hàng thương mại cổ phần có trụ sở tại TP HCM cho rằng, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, mỗi ngân hàng đều có cách thức riêng để tiếp cận khách hàng của mình. "Dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư, cũng như từ các kênh khác, nếu được định hướng vào ngân hàng sẽ rất tốt", ông này nói.
Cũng theo ông, việc một số nhà băng "đi đêm" với khách hàng, tăng lãi suất tiết kiệm ở các kỳ hạn ngắn lên mức cực cao 17-18% chỉ mang tính cục bộ, phụ thuộc vào tình trạng thanh khoản của từng ngân hàng, chứ không phản ánh bức tranh chung của cả hệ thống.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị HDBank cho rằng, tuy nguồn vốn hiện tại của HDBank chưa đến mức căng thẳng nhưng nhà băng vẫn đang rốt ráo tìm kiếm vốn từ nhiều nguồn khác chứ không thể trông chờ nhiều vào kênh huy động từ dân cư. "Lượng vốn từ dân cư gửi vào ngân hàng hiện chưa mấy khả quan", bà Thảo nói.
Đồng quan điểm, một lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB), cho hay, lượng vốn huy động từ dân cư tại hầu hết các chi nhánh của nhà băng đều rất hạn chế, do người dân nhìn vào tỷ lệ lạm phát cao và nguy cơ lãi suất thực âm.
Chia sẻ vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính ngân hàng, Đại học Mở TP HCM cho rằng, hiện nay các ngân hàng đang rất muốn hạ thấp đầu vào để kéo mặt bằng lãi suất cho vay xuống nhằm khơi thông đầu ra. Nhưng nghịch lý là với mức lãi suất huy động thực hiện nay (gồm cả khuyến mãi, thưởng) lên đến 17% thậm chí 18-19% mà các ngân hàng vẫn không hút được vốn huy động, nếu hạ thấp sẽ càng khó khăn hơn trong việc hút vốn.
Theo ông Thuận, mấu chốt của vấn đề là do người dân lo sợ đồng tiền bị mất giá, lo ngại lạm phát cao, có tâm lý chưa thoả mãn với mức lãi suất thực tại... Do đó, một lượng lớn tiền vẫn chưa chịu vào ngân hàng mà phân bổ ở các kênh khác.
Nhóm phóng viên

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Affiliate Network Reviews