> Nuôi con thần đồng vừa mừng vừa lo/ Cậu bé biết đọc, làm toán từ lúc 3 tuổi/ Ngộ nhận thần đồng
Em Nguyễn Phúc Trường (sinh ngày 1/3/2005), ở phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) vừa vào học lớp 1, Trường Tiểu học Núi Thành. Mẹ em, chị Phan Thị Tư cho biết, Trường có trí nhớ rất tốt, chỉ cần gặp ai một lần là em nhận ra ngay nếu gặp lại. 4 tuổi, Trường đã tự học bảng chữ cái và xếp chữ, rồi giải được toán lớp 1 và lớp 2.
Trường cũng có khả năng ghi nhớ về địa lý rất tốt. Hồi 5 tuổi, em mở bản đồ thế giới ra và tự phân biệt được từng vùng, từng quốc gia, đặc biệt là nhớ rõ lá cờ của 95 nước. "Tôi cũng bất ngờ với trí nhớ và thông minh của con mình”, chị Tư nói.
Nguyễn Phúc Trường (người đứng) có khả năng nổi trội trong lớp so với các bạn mới vào tiểu học. Ảnh: Minh Nhật. |
Cô hiệu phó Trần Thị Lệ cho biết, đầu năm học, trường Tiểu học Núi Thành nhận được đơn xin học vượt lớp (lên thẳng lớp 2) của gia đình em Trường. Theo cô, đây là diện đặc biệt, chưa từng có ở đơn vị này. Để có cơ sở khoa học, nhà trường đã thành lập hội đồng thẩm định, ra đề cho em giải Toán và Tiếng Việt lớp 2, lớp 3.
"Thật bất ngờ em Trường có thể viết 90 chữ trong 20 phút, tương đương học sinh lớp 3 học xong học kỳ 1. Trong lần kiểm tra môn Toán ở cả hai trình độ cuối học kỳ II lớp 2 và cuối học kỳ I lớp 3, Trường đều đạt điểm 10”, cô giáo Lệ nói.
Khi phóng viên test thử "độ nhạy", cậu bé 6 tuổi trả lời nhanh và đúng các phép toán như: 100 x 100 = 10.000, hay 25 x 25 = 625, rồi 356 - 243 = 113...
Một trong số những bài kiểm tra Trường làm để xác định trình độ xét cho vượt lớp ở Trường tiểu học Núi Thành. Ảnh: Minh Nhật. |
Trước những khả năng vượt trội của em Trường, trường Tiểu học Núi Thành đã gửi báo cáo lên phòng GD&ĐT quận Hải Châu xin ý kiến về việc cho em học vượt cấp.
Thầy giáo Nguyễn Hồng Tân, Hiệu trưởng trường Tiểu học Núi Thành cho biết, sau khi toàn bộ giáo viên của trường họp lại và đánh giá đã khẳng định khả năng của em Trường phù hợp với trình độ lớp 2, dù em có thể học được lớp 3, nhưng sợ nhiều khả năng, kiến thức khác em không bắt kịp so với tuổi.
“Hiện trường đang chờ UBND quận Hải Châu thành lập hội đồng thẩm vấn, sau đó Sở GD&ĐT Đà Nẵng sẽ quyết định cuối cùng cho em học lớp 2 hay lớp 3”, thầy Tân nói.
Bố Trường làm nghề kinh doanh, mẹ là kế toán. Mọi ăn uống, sinh hoạt của Trường vẫn bình thường như các bạn cùng trang lứa. Em có sở thích nuôi mèo và chơi ghép hình. “Cháu thích học lớp 3 ngay bây giờ để đến năm 20 tuổi cháu có bằng đại học”, cậu bé thổ lộ.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Công Khanh, Giám đốc Trung Tâm đảm bảo chất lượng giáo dục và khảo thí (Đại học Sư phạm Hà Nội), để đánh giá trẻ có khả năng vượt trội về trí tuệ thật sự hay không cần sử dụng bộ trắc nghiệm chuẩn quốc tế và phải cho trẻ thực hiện nhiều lần để xác định tính ổn định của các khả năng này.
Theo chuyên gia, kể cả khi đã khẳng định được điều này, trẻ vẫn cần đánh giá chi tiết, xem lĩnh vực nào nổi bật hơn, ở mức độ nào mới có thể đưa ra phương pháp giáo dục phù hợp để giúp em phát triển tốt. Ông cho rằng, ở trẻ em, trong 100 trẻ sẽ có 1-2 em có trí nhớ vượt trội, và đó là điều bình thường.
Phó giáo sư Phạm Thành Nghị, Viện phó viện nghiên cứu con người (Hà Nội) cũng cho rằng, để biết trẻ có vượt trội về trí tuệ hay không cần đánh giá nhiều mặt và dựa vào nhiều tiêu chí, từ tốc độ xử lý thông tin, khả năng nhận thức nhanh, các thao tác tư duy như so sánh, phân tích, tổng hợp...
Với những biểu hiện của cháu Trường cũng chưa thể đưa ra kết luận gì trước khi kiểm tra kỹ hơn, sử dụng các công cụ đánh giá, đo lường cụ thể, chuyên môn... Theo ông, trẻ có một trí nhớ tuyệt vời chưa nói lên điều gì bởi nhiều khi, trẻ có hứng thú đặc biệt với điều gì đó thì sẽ học rất nhanh.
Về việc có nên cho cháu Trường học vượt lớp, chuyên gia cho rằng, điều này cần cân nhắc rất kỹ, bởi có thể Trường có một khả năng vượt trội nào đó, như về tính toán, nhưng khả năng xã hội của em vẫn ngang bằng các bạn, thì việc học cùng những người lớn hơn chưa chắc đã tốt...
"Cần kiểm tra chỉ số thông minh trí tuệ (IQ), chỉ số thông minh cảm xúc (EQ) và cả kỹ năng xã hội của trẻ, trước khi quyết định", ông nói.
Ông cho biết, ở các nước phương Tây, những trẻ có khả năng đặc biệt sẽ được dạy phân hóa, tức là tiếp cận cá nhân trong dạy học, để trẻ học theo kiểu khám phá, phát huy tối đa khả năng vượt trội của mình, nếu cho trẻ học vượt lớp nhưng vẫn dùng cách dạy thông thường, trẻ vẫn có thể chán.
Minh Nhật - Minh Thùy
0 nhận xét:
Đăng nhận xét