Vùng miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị "nổi tiếng" bởi chuyện những nông dân nghèo khó tình nguyện hiến đất, riêng ở xã Thuận có gần 50 hộ dân đã hiến gần 55 ha. Những mảnh đất tình nghĩa này được chính quyền địa phương xây dựng trường mầm non cho trẻ em, các cơ sở hành chính, các tuyến đường…
Ông Hồ Văn Hạnh và Trường Mầm non thôn 7 được xây dựng trên diện tích đất mà ông hiến tặng. Ảnh: Trần An. |
Đường vào thôn 7, xã Thuận trở nên đông đúc hơn kể từ khi ngôi trường mầm non được xây dựng. Nhiều phụ huynh dẫn con đến trường làm không khí “theo đuổi con chữ” của người dân vùng cao rộn ràng. Phía bên cạnh trường, ông Hồ Văn Hạnh, 50 tuổi ngồi nhìn các cháu đi học tủm tỉm cười. Ông là người đã tình nguyện hiến 1.500 m2 đất vườn làm kinh tế của gia đình để xây dựng trường học.
Cuối năm 2010, khi hay tin UBND xã Thuận đang gặp khó khăn vì thiếu đất xây trường mầm non mặc dù dự án xây dựng đã có, ông Hạnh đến gặp lãnh đạo xã để trình bày mong muốn của mình. Nhiều người ban đầu chép miệng cho rằng ông “đã nghèo mà còn chơi sang”. Thế nhưng với tấm lòng thương trẻ, yêu giáo dục, ông không ngần ngại tặng mảnh đất khai hoang đã mấy chục năm nay của gia đình cho chính quyền. Trước đó, từng có người dưới TP Đông Hà lên ngỏ ý mua lại mảnh vườn của ông với giá gần 50 triệu nhưng ông nhất quyết không bán.
“Nhìn thấy trẻ con trong thôn không có trường để học nên mình cũng chỉ nghĩ là hiến đất xây trường chứ chẳng tính toán gì lớn lao. Đời mình cực rồi nên để cho các cháu được đến lớp và theo đuổi giấc mơ con chữ…”, ông Hạnh nói.
Cũng để xây dựng Trường THCS Thuận cho con em mình, hơn 10 hộ dân đã tự nguyện nhượng không lấy tiền hàng chục nghìn m2 đất. Ngôi trường vừa được khánh thành đi vào sử dụng khiến nhiều người dân ở đây lấy làm hãnh diện.
Trường THCS Thuận đạt chuẩn quốc gia được xây dựng trên diện tích đất hàng chục nghìn m2 do người dân hiến. Ảnh: Trần An. |
Cụ Hồ Văn Khỏa ở thôn Úp Ly 2, xã Thuận cũng được nhiều người dân yêu mến khi tình nguyện hiến 1.500 m2 đất cho địa phương để xây trường mầm non thôn Úp Ly 2 và cũng là cơ sở sinh hoạt cộng đồng của thôn. Cụ Khỏa năm nay đã bước sang tuổi 70 nhưng đôi mắt vẫn còn tinh anh. Hai vợ chồng cụ thỉnh thoảng còn sang trường kiểm tra sĩ số học sinh xem cháu nào nghỉ học để có biện pháp giúp đỡ kịp thời. Bà A Mo, vợ cụ Khỏa cười bảo: “Từ khi có trường, thấy trẻ em đi học, lòng chúng tôi cứ phấn chấn như được trẻ lại mấy tuổi”.
Ông Phan Xuân San, Phó chủ tịch UBND xã Thuận cho biết, xã có đến 80% đồng bào dân tộc thiểu số (dân tộc Pa Cô và Vân Kiều). Xã Thuận là nơi có nhiều người đăng ký cho đất tình nguyện vào bậc nhất cả nước. Hiến đất, họ phải di dời nhà cửa đến nơi ở mới, hay chấp nhận cắt đi nguồn thu nhập từ mảnh vườn khai hoang của gia đình.
Chính hành động hiệp nghĩa này, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Thuận đã được nhận bằng khen của các cấp. Điển hình như ông Hồ Văn Hạnh và cụ Hồ Văn Khỏe đều được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử tặng bằng khen vì đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Trần An
0 nhận xét:
Đăng nhận xét