Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Lãnh đạo Hưng Yên báo cáo về vụ Văn Giang

Theo vnexpress.net

"Vụ việc ở Văn Giang có sự móc nối các phần tử chống đối trong và ngoài nước. Các thông tin, được tường thuật tại chỗ, từng giờ để xuyên tạc, dàn dựng các video clip giả để vu khống, bôi nhọ chính quyền”, Phó Chủ tịch UBND Hưng Yên Nguyễn Khắc Hào báo cáo.


Hội nghị trực tuyến về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì diễn ra sáng 2/5 có sự tham gia của lãnh đạo 63 tỉnh, thành và các bộ, ngành.
Được Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu báo cáo chi tiết vụ cưỡng chế cách đây gần 10 ngày tại xã Xuân Quan (huyện Văn Giang), Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Khắc Hào đánh giá "đây là một trong số ít các vụ khiếu kiện đông người điển hình".
Nhiều thông tin được ông Hào nhắc lại như dự án khu đô thị thương mại và du lịch Văn Giang (Ecopark) có trình tự "thủ tục đúng pháp lý, cơ chế đền bù tốt, tạo đà phát triển cho tỉnh"... Song qua hơn 8 năm, tỉnh vẫn chưa hoàn thành giao đất cho chủ đầu tư do “người dân khiếu kiện liên tục, tập trung đông người, lôi kéo, kích động cản trở không hợp tác, gây tình hình phức tạp kéo dài tại 3 xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao của huyện Văn Giang”.
Phó chủ tịch Hưng Yên (ngồi giữa):
Phó chủ tịch Hưng Yên (ngồi giữa): "Clip vụ cưỡng chế đã được dàn dựng". Ảnh: Nguyễn Hưng.
Báo cáo chi tiết về cưỡng chế ngày 24/4, Phó chủ tịch tỉnh Hưng Yên cho biết, việc này nhằm hoàn tất bàn giao 72 ha đợt 2 cho chủ đầu tư. Trong đó, 5,8 ha của 166 hộ chưa nhận tiền đền bù là "phải cưỡng chế".
“Chúng tôi nhận thức rằng, khi đã có chủ trương đúng, hiệu quả kinh tế xã hội cao, đúng các quy định của pháp luật thì không thể vì một số người chống đối mà không thực hiện”, ông Hào nói.
Cuộc cưỡng chế ngày 24/4, dưới sự chỉ đạo của cả Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên và sự hỗ trợ của 1.000 người thuộc các lực lượng, được ông Hào đánh giá: "Đã thực hiện tốt các phương án đề ra, đảm bảo an toàn, không ai bị thương". Việc bắt giữ 19 người ngay trong ngày cưỡng chế được ông Hào cho rằng, do họ "đã có hành vi quá khích, chống trả người thực thi nhiệm vụ".
Hiện, 5 người còn bị tạm giữ và 9 "đối tượng cầm đầu", "nhiều năm gây rối" đã bỏ trốn trước ngày cưỡng chế. Ông Hào nhận định rằng, xử lý được 9 người này sẽ khắc phục được tình trạng "tập trung đông người, kéo lên các cơ quan trung ương".
Nói về bài học rút ra sau vụ việc, Phó chủ tịch Hưng Yên đưa ra nguyên tắc "phát huy dân chủ phải đi liền với kỷ cương pháp luật".
“Trong vụ việc ở Văn Giang, có sự móc nối chặt chẽ giữa các phần tử chống đối trong và ngoài nước. Các thông tin, thậm chí được tường thuật tại chỗ, từng giờ để tuyên truyền, xuyên tạc, dàn dựng lên các video clip giả để vu khống, bôi nhọ chính quyền”, ông Hào báo cáo. Tuy nhiên, ông không đề cập đến những "phần từ chống đối trong và ngoài nước" đã móc nối như thế nào.
Báo cáo của ông Hào cũng không nhắc đến thông tin do người phát ngôn của tỉnh thông báo trước đó rằng, công an đã phải dùng "hai quả đạn khói" để "giải tán" những người tụ tập, cản đường không cho xe, máy vào công trường, 2 cảnh sát cơ động bị thương do sự phản kháng của những người chống đối.
Bình luận về thông tin liên quan tới vụ cưỡng chế, vị lãnh đạo tỉnh này cho rằng, “các cơ quan thông tấn, báo chí chính thức đưa tin tuyên truyền ít, phản ứng chậm”, trong khi các mạng xã hội "phản ứng nhanh, đưa tin liên tục".
Sau phần báo cáo kéo dài khoảng hơn 10 phút của lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, không có đại diện của bộ, ngành hay địa phương nào thảo luận thêm về vụ việc.
Ý kiến duy nhất nhắc đến vụ cưỡng chế là của đại diện Ủy ban trung ương MTTQ. "Vụ việc ở Văn Giang khác với vụ việc khác. Cơ bản chúng tôi đồng tình với cách xử lý của địa phương", Phó chủ tịch Mặt trận Nguyễn Văn Pha phát biểu.
Người dân xã Xuân Quan thu dọn vườn cây cảnh sau vụ cưỡng chế sáng 24/4. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Người dân xã Xuân Quan thu dọn vườn cây cảnh sau vụ cưỡng chế sáng 24/4. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Sáng 24/4, UBND huyện Văn Giang đã thực hiện cưỡng chế 5,8 ha đất của 166 hộ tại xã Xuân Quan. Việc cưỡng chế tiến hành từ khoảng 7 giờ sáng đến hơn 11h trưa. 1.000 người thuộc các lực lượng công an, dân quân.... được huy động.
Thông tin trên trang web của tỉnh Hưng Yên mô tả, một ngày trước khi cưỡng chế, khoảng hơn 100 người dân dựng 2 lều bạt gần khu vực giải phóng mặt bằng. Sáng sớm ngày 24/4, khoảng 300 người dân tập trung tại các điểm gần khu vực cưỡng chế. Sau 7h sáng, còn khoảng 200 người dân đã chuẩn bị từ trước cuốc, xẻng, dao, liềm, gậy gộc, gạch đá, chai xăng cố tình chống lại lực lượng làm nhiệm vụ cưỡng chế.
Một ngày trước khi cưỡng chế, tại cuộc họp báo Chánh văn phòng UBND tỉnh Bùi Huy Thanh đã yêu cầu các các nhà báo không được có mặt tại khu vực cưỡng chế để "bảo đảm tuyệt đối an toàn".
Nguyễn Hưng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Affiliate Network Reviews