Tay nhà báo Scott Roxborough của The Hollywood Reporter vừa nói trong bài viết mới nhất rằng Cannes bây giờ chán quá, chỉ thấy toàn phỏng vấn mà chẳng thấy không khí lễ hội đâu cả, ít ra phải cỡ như Cối xay gió đỏ của 10 năm trước khi âm nhạc của Fatboy Slim ngập tràn và trên sàn là Nicole Kidman và Ewan McGregor đang nhảy điên cuồng.
Đó là 10 năm trước, còn bây giờ hình như Cannes đang thay đổi.
The Tree of Life - “Cây thành công” của người Mỹ
Và cuối cùng sau câu nói của ông Chủ tịch khả kính Robert De Niro “Chúng tôi đã làm hết sức thì người ta thấy hai bộ phim châu Á và các nữ đạo diễn... biến mất. Chẳng phim châu Á nào được tôn vinh (tất nhiên chỉ đang tính ở hạng mục Cành cọ vàng) và chẳng nữ đạo diễn nào được trao quyền lực như dự đoán.
Trên sân lúc này chỉ còn châu Âu và Hollywood và người chiến thắng cuối cùng, khá bất ngờ, là ông bạn đồng minh thân thiết, Hollywood. The Tree of Life, câu chuyện về một cuộc đời, một cuộc đời chỉ có một lựa chọn để sống, đã được Cannes lựa chọn. Chỉ hơi đáng tiếc, đạo diễn tài danh Terrence Malick đã không có mặt để nhận Cành cọ vàng cao quý ấy.
The Tree of Life, bộ phim tâm linh kể về cuộc sống của một gia đình vào những năm 1950. Bộ phim xoay quanh hành trình cuộc đời của người con cả trong gia đình - Jack - qua những năm tháng ngây thơ của tuổi nhỏ cho đến những năm trưởng thành đau khổ và vỡ mộng khi phải cố gắng hòa thuận với người cha kỹ tính và trầm cảm (Brad Pitt). Cuối cùng, Jack nhận ra bản thân mình là tâm hồn lạc lõng giữa thế giới hiện đại, Jack phải đi tìm câu trả lời về nguồn gốc và ý nghĩa của cuộc sống trong khi vẫn luôn thắc mắc về sự tồn tại của đức tin.
Kirsten Dunst giành giải Nữ diễn viên xuất sắc, thêm một gương mặt Hollywood được vinh danh. Châu Âu tạm hài lòng khi Jean Dujardin trở thành Nam diễn viên xuất sắc trong bộ phim câm đen trắng The Artist và cũng đỡ buồn hơn khi bộ phim Polisse của nữ đạo diễn Maiwen đoạt giải thưởng đặc biệt của BGK.
Nhà sản xuất Bill Pohlad (phải) và Dede Gardner nhận giải Cành cọ vàng cho phim The tree of life do đạo diễn Terrence Malick vắng mặt |
Khi BGK nói tiếng Anh
The Tree of Life sáng ngày 23/5 nhận được hầu như toàn bộ lời khen ngợi của báo chí Anh và Mỹ, tờ thì bảo “xứng đáng”, tờ lại bảo “không thể có lựa chọn khác”, tờ còn tuyên bố “y chang dự đoán” và The Tree of Life(Cây đời) như thể nên đổi tên thành The Tree of Success (Cây thành công). Nhưng phía bên này Đại Tây Dương người Pháp có vẻ không thích thú lắm.
Nhưng sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng trước khi trao giải các tờ báo Mỹ chỉ xếp The Tree of Life ở hạng thứ 3, còn thua cả Le Havre của đạo diễn Phần Lan Aki Kaurismaki. Còn các tờ báo châu Âu (như tờ Première, Positif hay Cahier du Cinéma) chỉ chọn duy nhất một Melancholia (Nỗi u buồn) của đạo diễn bị trục xuất Lars von Trier. Có nghĩa trước giờ trao giải không có một tí Hollywood nào trong dự đoán. Nhưng cho dù không thích (nhiều báo tỏ vẻ xem thường nội dung The Tree of Life không có tí gì là đọng được trong đầu để nhớ nổi), cho dù mỉa mai (BGK toàn là người Mỹ, ngoài ông trùm Rober De Niro còn có thêm Uma Thurman, Jude Law...) thì năm nay nhìn vào ai cũng có thể dễ dàng nhận ra một điều: Hollywood, dù theo bất kỳ cách đánh giá nào, không ít thì nhiều đang gánh đỡ cho Cannes. Mở màn là một bộ phim Mỹ và kết thúc đêm trao giải cũng là một bộ phim của Hollywood. Người Mỹ đang trở lại.
Cannes đang thay đổi tư duy
Nhà phê bình điện ảnh, học giả người Thuỵ Sỹ Christian Jungen trong cuốn sách của ông có tựa đề Hollywood in Cannes đã mô tả những tranh cãi gần như vô tận về sự hiện diện mang tính quảng cáo của các bộ phim bom tấn Mỹ tại Cannes. Mối quan hệ giữa nhà máy sản xuất giấc mơ Mỹ và LHP châu Âu này từ lâu đã có “lịch sử của mối quan hệ yêu-ghét”. Nhưng dường như mối quan hệ yêu-ghét đó đang kết thúc. Cướp biển vùng Caribê phần 4 đã hiện diện tại Cannes, những ngôi sao danh tiếng Hollywood đã đến và mở party thâu đêm (Kirsten Dunst) và giải thưởng đã trao cho người Mỹ bởi một người Mỹ xinh đẹp (Jane Fonda).
“Festival de Cannes sẽ ở đâu trong quãng thời gian 5 năm tới?”, cách đây vài năm, Gilles Jacob Chủ tịch của LHP Cannes đã đưa ra câu hỏi này tại một cuộc họp báo. Ông nhận định, tương lai của nền điện ảnh độc lập và tương lai của các LHP lớn hơn trên thế giới “về thực chất là một và giống nhau”. Và ông thực sự quan ngại đến cả hai (tương lai nói trên). “Điều cuối cùng chúng ta nghe được”, Jacob nói, “rằng nền điện ảnh mà chúng ta yêu mến - ngay thẳng, nguyên bản, độc nhất chỉ điện ảnh, điện ảnh trên mọi phương diện - đang bị khai tử bởi lối tư duy cảnh sát”.
Người Mỹ chiến thắng năm nay ít ra cũng được đón nhận ở một mặt tích cực khác khi trước đây những bộ phim đoạt giải ở Cannes thường sau đó hầu như chẳng còn ai quan tâm đến nó nữa. Đã có rất nhiều thảo luận xung quanh khái niệm rằng các LHP nên trở thành một dạng bảo tàng tạm thời dành cho nghệ thuật điện ảnh nóng - hổi song khó - bán. Bởi, sau internet, các LHP có thể trở thành cách thức quan trọng nhất để những nhà làm phim độc lập đưa tác phẩm của họ đến với một tầng lớp khán giả. Khi mà điện ảnh đang chuyển hướng sang DVD và những kênh truyền hình kỹ thuật số, các bộ phim ngày càng kiếm được ít tiền tại rạp chiếu. Những năm gần đây, các bộ phim giành giải thưởng cao quý nhất ở Cannes - Cành cọ vàng - thật sự phải lo lắng về sự sụt giảm khán giả tại các phòng chiếu. Thật kinh ngạc khi những bộ phim được chọn tại các LHP ở mọi nơi trên thế giới hầu như không kiếm được tiền. Và người ta cũng lo rằng những bộ phim do các siêu sao phim độc lập như Ken Loach, anh em nhà Dardenne hay Gus Van Sant, làm đạo diễn cũng sẽ có chung số phận. Sau khi LHP kết thúc, nhiều bộ phim trong số đó đều đặn rơi vào quên lãng. Nhiều phim còn chẳng bao giờ được đem ra công chiếu tại rạp, mà thay vào đó chuyển thẳng sang DVD. Thậm chí, luôn có những bộ phim được đánh giá cao về phẩm chất nghệ thuật song lại bị công chúng hắt hủi, kể cả một vài bộ phim từng chiến thắng tại Cannes.
Và chính vì thế người ta đang trả lời câu hỏi này trong năm nay một cách rất Mỹ, The Tree of Life và nó hoàn toàn khác với bộ phim Thái Lan được trao năm trước và nhiều người đã đánh giá “khác hơn rất nhiều”, ở nội dung và cả cách tiếp cận khán giả. Cannes bao nhiêu thập niên qua được xem là đối trọng đáng gờm nhất của Oscar giờ đang thay đổi tư duy? Cuộc chiến quan điểm giữa Cannes và Hollywood tồn tại bao nhiêu thập niên nay vẫn chưa có câu trả lời: Nghệ thuật cần khán giả hay nghệ thuật cần vừa đủ khán giả.
Nhiều người đang sợ Cannes bắt đầu tách khỏi quan điểm bản chất khi hướng về công chúng hơn là những bộ phim nghệ thuật. Liệu có phải là một hướng đi mới tích cực hơn hay sau này sẽ lại có người thở dài mà nói rằng “Của Cannes hãy trả lại cho Cannes”, lúc ấy quay đầu có còn là bờ?
Các giải thưởng chính tại LHP Cannes lần thứ 64 * Phim truyện: - Cành Cọ Vàng: The Tree of Life - Terrence Malick - Giải thưởng lớn: The Kid with the Bike - Jean-Pierre và Luc Dardenne;Once Upon A Time In Anatolia - Nuri Bilge Ceylan - Đạo diễn xuất sắc: Nicolas Winding Refn (Drive) - Nam diễn viên xuất sắc: Jean Dujardin (The Artist) - Nữ diễn viên xuất sắc: Kirsten Dunst (Melancholia) - Kịch bản hay nhất: Joseph Cedar (Footnote) - Giải thưởng của ban giám khảo: Polisse - Maiwenn Le Besco - Giải Phim đầu tay: Las Acacias - Pablo Giorgelli * Phim ngắn: - Càng Cọ Vàng: Cross Road Country- Maryna Vroda |
Nguyên Minh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét